Xã hội

Chốt phương án xây cầu 19.000 tỷ thay hầm vượt sông thứ 2 của Việt Nam

Dương Uyển Nhi 02/01/2025 18:03

Phương án xây dựng cầu được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cần thiết.

Chiều 30/12/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi làm việc với đơn vị tư vấn về dự án xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT. Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã trình bày ba phương án thay thế phà Cát Lái, bao gồm: xây dựng cầu, hầm dìm và hầm khoan vượt sông.

Chốt phương án xây cầu 19.000 tỷ thay hầm vượt sông thứ 2 của Việt Nam - ảnh 1
Phối cảnh cầu Cát Lái (Ảnh: Báo Giao thông)

Một số ý kiến từ các chuyên gia và địa phương gần đây nhận định rằng xây dựng hầm là phương án phù hợp nhất với điều kiện logistics của khu vực. Tuy nhiên, sau khi đánh giá toàn diện các yếu tố, phương án hầm vượt sông được cho là có chi phí xây dựng rất cao, cùng với việc vận hành và bảo dưỡng sau này đòi hỏi nguồn lực lớn.

Theo kế hoạch, tổng chiều dài tuyến được nghiên cứu, bao gồm cả đường dẫn hai đầu cầu, là hơn 11,3km. Tuyến đường này sẽ được thiết kế với 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế đạt từ 80-100km/h.

Điểm đầu của tuyến nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức, TP.HCM) khoảng 400m. Điểm cuối kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Theo báo cáo từ đơn vị tư vấn, chi phí ước tính để xây dựng cầu Cát Lái khoảng 19.000 tỷ đồng. Trong khi đó, phương án làm hầm dìm đòi hỏi nguồn vốn trên 24.500 tỷ đồng, còn hầm khoan có chi phí cao nhất, vượt 33.000 tỷ đồng.

Phương án xây dựng cầu tại huyện Nhơn Trạch gặp phải một số khó khăn do phần đường dẫn của dự án chồng lấn với một số dự án khu dân cư và các di tích lịch sử quốc gia.

Chốt phương án xây cầu 19.000 tỷ thay hầm vượt sông thứ 2 của Việt Nam - ảnh 2
Hầm Thủ Thiêm là hầm vượt sông đầu tiên và duy nhất tính đến nay tại Việt Nam (Ảnh: Internet)

Đối với phương án hầm dìm, hầm sẽ được xây dựng ở độ sâu khoảng 3m so với mặt đất hiện tại. Với chiều dài vượt sông khoảng 800m, gấp đôi chiều dài của hầm Thủ Thiêm, việc thi công hầm dìm dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn. Ngoài ra, chi phí vận hành và bảo dưỡng hầm vượt sông sau khi hoàn thành được ước tính khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó, chi phí này đối với cầu chỉ khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.

Riêng phương án hầm khoan, loại hầm này cần được xây dựng ở độ sâu hàng chục mét dưới mặt đất hiện hữu để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do quá trình thi công phức tạp, hầm khoan chỉ thực sự phù hợp khi áp dụng cho những công trình hầm dài hàng cây số.

Vì vậy, phương án xây dựng cầu Cát Lái được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cần thiết.

Dựa trên những phân tích đó, tỉnh Đồng Nai đã quyết định chọn phương án xây dựng cây cầu Cát Lái. Giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật. Cây cầu mới cũng được chỉnh hướng tuyến về phía Tây so với quy hoạch ban đầu để không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử trong khu vực.

>> Cây cầu vượt sông dài nhất Việt Nam, gấp đôi cầu Long Biên, trong tương lai sẽ nối liền 2 thành phố trực thuộc Trung ương

Chiêm ngưỡng cây cầu vòm thép gần 2.000 tỷ đồng cao nhất Việt Nam, nằm tại tỉnh nhỏ nhất nước sắp cất cánh lên TP trực thuộc Trung ương

Cây cầu duy nhất của Việt Nam bắc qua 2 con sông lớn: Tổng đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chot-phuong-an-xay-cau-19000-ty-thay-ham-vuot-song-thu-2-cua-viet-nam-133810.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chốt phương án xây cầu 19.000 tỷ thay hầm vượt sông thứ 2 của Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH