Chủ hãng rượu Vodka Hà Nội thua lỗ triền miên
Theo báo cáo vừa công bố, chủ hãng rượu Vodka Hà Nội, CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) tiếp tục làm ăn thua lỗ trong quý vừa qua.
CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III đạt 22,8 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng thành phẩm rượu đạt 20,9 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế âm 2,28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ 1,36 tỷ đồng. Đây là quý 26 liên tiếp Halico kinh doanh thua lỗ.
Luỹ kế từ đầu năm tới nay, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 73,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 5,6 tỷ đồng.
Với việc thua lỗ triền miên, trong quý vừa qua, HĐQT không nhận thù lao. Trong khi đó, ban giám đốc, ban kiểm soát nhận thù lao hơn 565,8 triệu đồng.
Có lịch sử 120 năm, Halico được biết tới với các thương hiệu rượu Vodka Hà Nội, Lúa mới, Nếp mới,… Tuy nhiên, Halico liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay.
Năm 2022, do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn, doanh nghiệp này lỗ 16,6 tỷ đồng. Theo lãnh đạo của Halico, sau 2 năm dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm, người dân tiết giảm chi tiêu, một phần hướng đến các sản phẩm rượu tự nấu, giá rẻ.
Đồng thời, thị trường du lịch, trong đó khách quốc tế chưa quay trở lại nên thị trường tiêu thụ rượu nói chung giảm đáng kể. Trong khi chi phí đầu vào sản xuất tăng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HNR ở mức 12.000 đồng/cp và gần như không có giao dịch. Giá trị vốn hoá của Halico tương ứng ở mức 240 tỷ đồng.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* FPT: CTCP FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 37.927 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.768 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,4% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 4.742 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3%. Doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài tăng 30,9%, FPT tiến sát mốc 1 tỷ USD.
* FLC: CTCP Tập đoàn FLC công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn. Tổng giá trị trái phiếu mua lại là 983 tỷ đồng. Ngoài ra, FLC vừa nhận quyết định cưỡng chế của Cục Thuế TP Hà Nội bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản tại các ngân hàng. Tổng số tiền bị cưỡng chế khoảng gần 82 tỷ đồng từ các tài khoản tại nhiều ngân hàng.
* CII: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 lần thứ hai. Đại hội thông qua điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, khi bổ sung chi tiết lĩnh vực kinh doanh bất động sản và định hướng về phát triển chiến lược giai đoạn 2024-2030.
* HND: CTCP Nhiệt điện Hải Phòng công bố BCTC. Trong quý III, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 2.884 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần đạt 8.822 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt mức 533 tỷ đồng.
* PC1: CTCP Tập Đoàn PC1 nhận được quyết định từ Tổng cục Thuế về việc xử lý vi phạm hành chính do khai sai nhiều khoản thuế phải nộp. Tổng cộng số tiền PC1 bị xử lý về thuế hơn 979 triệu đồng.
* DRL: CTCP Thủy điện - Điện Lực 3 công bố doanh thu quý III đạt 8,3 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 14 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt gần 74 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 42 tỷ đồng.
Thông tin giao dịch
* SGN: Trong ngày 13/10, CTCP Chứng khoán SSI, cổ đông lớn của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn đã bán toàn bộ hơn 3,41 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, AMERICA LLC, một cổ đông lớn khác mua vào hơn 161.000 cổ phiếu.
* VNE: Ông Trần Văn Huy, Phó tổng giám đốc CTCP Xây dựng điện Việt Nam đã bán ra 100.000 cổ phiếu, từ ngày 19/9-13/10 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Huy chỉ còn nắm giữ 4.500 cổ phiếu.
* HUB: Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, cổ đông lớn của CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế đã bán ra 540.000 cổ phiếu trong ngày 12/10. Bà Hoa còn giữ hơn 5,06 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 19,25%.
* CKG: Bà Trần Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang đã bán ra 385.000 cổ phiếu từ ngày 29/9-13/10 theo phương thức thỏa thuận.
VN-Index
Chốt phiên 17/10, VN-Index giảm 19,77 điểm (-1,73%), xuống 1.121,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 610,5 triệu đơn vị, giá trị 13.632,7 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 4,63 điểm (-2,72%), xuống 230,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,8 triệu đơn vị, giá trị 1.942 tỷ đồng.
UpCoM-Index giảm 0,7 điểm (-0,8%), xuống 86,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,7 triệu đơn vị, giá trị 657,3 tỷ đồng.
Nhận định thị trường, Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng thị trường phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.125 điểm, nên xác suất cao sẽ tiếp tục còn áp lực bán trong phiên kế tiếp. Ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.085-1.096 điểm kỳ vọng sẽ là mốc ngăn cản sụt giảm của VN-Index.
Nhà đầu tư cần thận trọng mở vị thế mua thăm dò ở những cổ phiếu mạnh tại mốc hỗ trợ 1.125 điểm. Hiện mốc hỗ trợ trên đã bị phá vỡ, nên tạm thời hạn chế việc gia tăng thêm vị thế mua mới. Chờ thị trường test ngưỡng hỗ trợ mới 1.085-1.096 điểm mới quay lại vị thế mua.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Các nhà đầu tư có thể hạn chế bán tháo và có thể mua vào tại nhịp giảm mạnh khi chỉ số VN-Index giảm về gần vùng 1.110 điểm.
Ngoài ra, vị thế mua mới chỉ nên dành tỷ trọng thấp và chỉ tăng tỷ trọng cổ phiếu khi xu hướng ngắn hạn của thị trường xác nhận tăng.
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Công ty chứng khoán Top đầu sắp cán mốc 10.000 tỷ đồng dư nợ cho vay margin