Chủ tịch Hà Nội chốt thời gian khởi công 2 cây cầu nghìn tỷ bắc qua sông Hồng
Theo đó, một số cây cầu quan trọng như cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi sẽ được khởi công trong nửa đầu năm 2025.
Theo Báo Lao Động, tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội vào chiều ngày 11/12, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nhiều công trình lớn đã được đưa vào hoạt động, trong đó tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức vận hành thương mại. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực và quyết tâm của thành phố trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, dù công trình từng gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đang tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển hệ thống giao thông với kế hoạch xây dựng tổng cộng 18 cây cầu vượt sông. Hiện tại, đã có 8 cây cầu được đầu tư xây dựng. Ngoài cầu Long Biên, thành phố dự kiến sẽ xây dựng thêm 9 cây cầu mới.
Theo kế hoạch, nhờ áp dụng các quy định từ Luật Thủ đô mới, Hà Nội dự kiến sẽ khởi công cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi vào nửa đầu năm 2025. Đây được coi là bước tiến lớn trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị và các tỉnh lân cận.
Trước đó, cuối tháng 11, lãnh đạo TP. Hà Nội thống nhất chủ trương thực hiện 3 cây cầu lớn bằng nguồn vốn đầu tư công, trong đó có cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi.
Theo văn bản truyền đạt kết luận của Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được triển khai theo hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, thi công xây dựng). Dự kiến tháng 1/2025, UBND thành phố trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Cầu Tứ Liên với tổng chiều dài 4,8km, sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, kết nối từ đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài, thuộc quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Điểm đầu cầu Tứ Liên giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao Quốc lộ 5 với 5 nút giao gồm: Nghi Tàm, Hữu Hồng, bãi giữa, Tả Hồng và nút giao Quốc lộ 5 kéo dài. Cầu được thiết kế với kiến trúc dây văng hiện đại, tạo điểm nhấn với hai trụ cầu chính mang hình dáng độc đáo. Tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn được giao làm việc với các đối tác như Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án.
Cầu Ngọc Hồi là một dự án quan trọng khác được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công từ TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và sự hỗ trợ từ Trung ương. Cầu có tổng chiều dài khoảng 7,5km, mặt cắt ngang 80m (riêng đoạn từ đê tả Hồng đến cuối tuyến là 60m), tốc độ thiết kế 80km/h.
Điểm đầu cầu kết nối với dự án Vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Điểm cuối nối với Vành đai 3,5 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 11.700 tỷ đồng.
Thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội tham mưu tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính qua sông Hồng, với kế hoạch báo cáo UBND thành phố vào tháng 12/2024. Trong tháng 1/2025, thành phố trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công sân bay của Bộ Công an
Khởi công cầu dây văng lớn thứ 2 Việt Nam, sẽ hoàn thành vào năm 2028