Chủ tịch Petrovietnam nói nếu không có cơ chế đặc thù điện hạt nhân, doanh nghiệp sẽ không làm được
Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Quốc Nam (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho biết, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội, vinh dự lớn của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước.
Từ khi có Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội về đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận trong 15 năm qua luôn sẵn sàng tâm thế cho dự án được triển khai. Trong đó, nhân dân vùng lõi dự án với gần 1.300 hộ, gần 5.000 nhân khẩu cần di dời luôn sẵn sàng bàn giao nhà, đất để thực hiện dự án;...
Với mục tiêu của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng đề ra là làm “nhanh nhất có thể”, đưa nhà máy điện hạt nhân hoạt động thương mại vào năm 2030, chậm nhất năm 2031, đại biểu đoàn Cà Mau Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (Petrovietnam – PVN) cho biết, đây là một mục tiêu rất áp lực khi dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp nên cần cơ chế đặc thù cụ thể, rõ ràng để các chủ thể có thể thực hiện được.
Đồng thời, ông Hùng băn khoăn khi qua báo cáo thẩm tra và có ý kiến cho rằng không nên đưa tên các chủ thể cụ thể như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN vào dự thảo cơ chế, đặc biệt là cơ chế liên quan đến doanh nghiệp.
Theo ông Hùng, trong cơ chế chính sách đặc thù cần dứt khoát, cần có tên chủ đầu tư để “rõ người rõ việc”. Bên cạnh đó, cũng cần có sự rõ ràng trong các cơ chế tài chính, nguồn vốn chủ sở hữu, vốn đối ứng, nguồn vốn vay với các nhà cung cấp.
Đây là dự án siêu lớn nên dự thảo cũng đưa ra các cơ chế được thực hiện song song với các thủ tục. Do đó, với quan điểm “nếu không có doanh nghiệp sẽ không làm được, bởi sau khi được phê duyệt sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó”, ông Hùng mong muốn cơ quan thẩm tra, Quốc hội chia sẻ và đề nghị thống nhất với tờ trình.
>>Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành sớm nhất năm 2031
![]() |
Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia - Ảnh: Quochoi.vn |
Ngoài ra, ông Hùng khẳng định không quá quan ngại về vấn đề liên quan đến năng lực triển khai của các chủ đầu tư dự án là EVN và PVN. Cũng bởi phần công nghệ và thiết bị do nhà thầu, nhà cung cấp bản quyền công nghệ cung cấp sẽ được giám sát bởi Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA).
Cùng với đó, trong thời gian qua, EVN và PVN đang thực hiện nhiều dự án nhiệt điện (13 dự án) và các dự án xuất khẩu trạm tăng áp quy mô lớn.
Vì vậy, ông Hùng nói: “Mong Quốc hội tạo điều kiện thông qua và thống nhất cơ chế đặc thù để các tập đoàn kinh tế yên tâm làm với dự án lớn này".
Tuy nhiên, trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu để điều chỉnh dự thảo nghị quyết theo hướng chỉ nêu chung “chủ đầu tư”, bổ sung đối tượng áp dụng “tỉnh Ninh Thuận” và “đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án”.
Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030-2031, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới thì rất cấp thiết phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Bộ trưởng cho biết, sau phiên thảo luận, các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.
Phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam: Lựa chọn tất yếu trong giai đoạn mới
Chính phủ đề xuất chỉ định thầu với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận