Hơn 100 quốc gia thu mua, nhưng ‘kho báu’ dưới nước của Việt Nam được dự báo gặp khó năm 2025
Ngày 14/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển tôm nước lợ năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tôm Việt Nam trong năm 2024 đã xuất khẩu sang 107 thị trường, tăng 5 thị trường so với năm trước. Năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỷ USD, so với năm trước tăng 14%.
Theo Cục Thủy sản, năm 2024 sản xuất tôm nước lợ đã vượt kế hoạch đề ra với diện tích nuôi đạt 749,8 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tôm nước lợ trong năm 2024 đạt 1.290,5 nghìn tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng tôm sú đạt 338,8 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 951,7 nghìn tấn.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm trong năm 2025 sẽ tăng trưởng nhờ vào sự điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, trong năm 2025, xuất khẩu tôm sẽ đối diện với không ít khó khăn như: áp lực cạnh tranh từ các nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan; quy định nghiêm ngặt từ thị trường Mỹ, EU về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng;...
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân cho biết, năm 2025, theo dự báo của các chuyên gia, ngành tôm có thể vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo; giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao;...
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh |
Về kế hoạch sản xuất năm 2025, Cục Thủy sản xác định, diện tích nuôi tôm là 750 nghìn ha (tôm sú 630 nghìn ha, tôm thẻ 120 nghìn ha); sản lượng tôm các loại đạt 1,3 – 1,4 triệu tấn, trong đó tôm sú 350 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 1.050 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt từ 4 – 4,3 tỷ USD.
Để đảm bảo kế hoạch cả năm 2025, Cục Thủy sản đưa ra một số giải pháp như: các địa phương tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy Sản; áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với từng phương thức nuôi, ưu tiên công nghệ tuần hoàn nước/ít thay nước, thu gom và tái sử dụng chất thải trong nuôi tôm để đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, động vật và có trách nhiệm xã hội;...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và người nuôi tôm cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng để chủ động sản xuất trong bối cảnh, tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu.
Ông Luân nhấn mạnh: “Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục để chứng minh giảm phát thải carbon, phát triển bền vững, không mua bán các sản phẩm từ hoạt động IUU....”.