Chứng khoán SBS tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên lần 2

16-05-2023 19:08|Yến Thanh

Từ vị thế của một "ông lớn" làng chứng khoán, chỉ sau 3 năm từ 2010 - 2012, Chứng khoán SBS đã thành một doanh nghiệp tí hon với vốn chủ sở hữu 10 năm liên tiếp lình xình mức 200 - 350 tỷ đồng.

Chứng khoán SBS tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên lần 2

Doanh nghiệp thiếu "cá mập", nhiều "cá con"

CTCP Chứng khoán SBS (Mã SBS - UPCoM) thông báo tổ chức ĐHCĐ thường niên lần 3 năm 2023 sáng ngày 5/6 tới tại phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TP. HCM.

Ghi nhận tại biên bản họp Đại hội lần 2 ngày 15/5, chỉ có 22 cổ đông - đại diện cho 15,21% vốn - tương đương 22,3 triệu cổ phiếu dự họp (thấp hơn mức tối thiểu 33%).

Trước đó ĐHCĐ thường niên 2023 lần 1 của SBS sáng 17/4 cũng không đủ điều kiện tổ chức do chỉ có 20 cổ đông - đại diện cho 22,3 triệu cổ phiếu (15,11% vốn) tham dự.

Được biết, sau khi chốt quyền họp Đại hội hồi đầu tháng 3 vừa qua, Chứng khoán SBS ghi nhận tổng cộng gần 21.200 cổ đông - nắm giữ 146,6 triệu cổ phiếu.

Ghi nhận tại báo cáo tình hình quản trị năm 2022, SBS chỉ có 2 cổ đông lớn gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (Mã STB - HOSE) với tỷ lệ 13,78% vốn và bà La Mỹ Phương (nắm 6,81% vốn).

Với lượng free float lớn, việc Chứng khoán SBS tổ chức bất thành Đại hội thường niên cũng là điều dễ thấy và dễ chấp nhận - nhất là khi nhìn vào kết quả kinh doanh của công ty những năm vừa qua.

Khoảng trống sau khi "dời tay" Sacombank...

Theo tìm hiểu, SBS có tên cũ (trước ngày 4/7/2022) là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín hay Chứng khoán Sacombank. Việc đổi tên hồi đầu tháng 7 năm ngoái cũng thể hiện việc công ty không còn liên quan đến Sacombank.

Được biết từ đầu năm 2010, quá trình "thay máu" tại SBS đã diễn ra mạnh mẽ khi Sacombank bắt đầu đợt chào bán cổ phần sở hữu tại SBS, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 64,9%. Các đợt chào bán tiếp theo lần lượt diễn ra vào giai đoạn cuối 2010, 2011 và một số thời điểm khác đã kéo giảm tỷ lệ cổ phiếu mà Sacombank sở hữu xuống còn 10,21% - tương đương 13,87 triệu cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.

Chứng khoán SBS tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên lần 2

Trong khoảng thời gian này, việc kinh doanh thua lỗ đã cổ phiếu này nhận án hủy niêm yết trên HOSE năm 2013 do âm vốn chủ sở hữu 251 tỷ đồng.

Còn nhớ thời điểm Chứng khoán Sacombank chào sàn, công ty đang giữ vị thế là một trong 4 gương mặt chứng khoán lớn nhất trong số gần 100 công ty chứng khoán hiện diện ở Việt Nam xếp theo quy mô vốn điều lệ. Vị thế của SBS trong ngành cũng thuộc nhóm dẫn đầu với thị phần môi giới trên HOSE năm 2009 xếp thứ 3 (sau SSI và MBS) với tỷ lệ 7,77%.

Tuy nhiên đã nhiều năm trở lại đây, cái tên SBS đã không còn hiện diện trong Top 10 thị phần trên cả 2 sàn niêm yết.

Nhìn lại quá khứ, cuộc “đại phẫu” các khoản hợp tác đầu tư được SBS tiến hành trong năm 2011 đã mang đến quá nhiều cay đắng. Việc hạn chế các khoản hợp tác đầu tư mới đã đẩy thị phần của SBS rơi về vị trí thứ 10 ở cả 2 sàn ngay trong quý 1 năm này. Đến hết quý 2/2011, thị phần của SBS đã “bay” khỏi top 10.

Kế đó, việc cắt lỗ các danh mục đầu tư đã khiến lợi nhuận hợp nhất bán niên 2011 âm 165 tỷ đồng.

Cuộc “đại phẫu” triệt để năm 2011 rốt cục đã làm "bốc hơi" khỏi bảng cân đối kế toán của Chứng khoán SBS hơn 5.500 tỷ đồng giá trị tài sản (về còn 3.661 tỷ). Dù vậy, gánh nặng nợ ngắn hạn tại thời điểm đó vẫn còn 2.770 tỷ đồng. Năm này, công ty báo lỗ sau thuế 788 tỷ.

Chứng khoán SBS tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên lần 2

Và... từ một "ông kẹ" trong làng chứng khoán, chỉ sau 3 năm, SBS đã thành một doanh nghiệp tí hon; vốn chủ sở hữu từ 2013 đến nay chỉ quanh quẩn mức 200 - 3xx tỷ đồng.

Thạm vọng kinh doanh 2023 hay cú "vung tay quá trán"?

Kết năm 2022, SBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 138 tỷ đồng - giảm mạnh so với mức 221,5 tỷ của năm trước đó; 2 nguồn thu chủ lực từ hoạt động cho vay và môi giới đều giảm về còn 63 tỷ và 72 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động tăng thêm 31 tỷ; chi phí tài chính ở mức 22,6 tỷ, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 75 tỷ dẫn đến công ty lỗ sau thuế 70,6 tỷ đồng (cùng kỳ lãi nhẹ 7,6 tỷ).

Trước đó, sau giai đoạn chìm trong thua lỗ, lợi nhuận của SBS từ 2017 đến nay đã dương trở lại song cũng chỉ đì đẹt vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm.

Ghi nhận tại tài liệu ĐHCĐ vừa công bố, năm 2023, Chứng khoán SBS đề ra kế hoạch doanh thu từ 100 - 120 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động từ 6 - 8 tỷ đồng. Công ty cũng sẽ không chia cổ tức và phân phối các quỹ năm này.

Kết quý 1/2023, Chứng khoán SBS là 1 trong 14 công ty chứng khóan báo lỗ bên cạnh EVS, WSS, VUA, CSI,...

Trong kỳ, công ty đạt doanh thu 25,1 tỷ đồng - giảm so với mức 44,4 tỷ của quý 1/2022; nguồn thu chủ lực của công ty vẫn đến từ môi giới chứng khoán - 10,8 tỷ và thu nhập khác 13,7 tỷ). Chi phí lãi vay tăng mạnh dẫn đến việc SBS báo lỗ sau thuế 0,6 tỷ đồng (quý lỗ thứ 4 liên tiếp); lỗ lũy kế đến cuối quý ở mức 1.373 tỷ.

Tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Chứng khoán SBS giảm còn 510 tỷ trong bối cảnh nợ phải trả giảm còn 167 tỷ đồng.

Đáng chú ý, SBS cũng dự trình kế hoạch chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2023 và chậm nhất là năm 2025. Sau chào bán, vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên 1.966 tỷ đồng.

Đáng nói trên thị trường, cổ phiếu SBS kết phiên giao dịch 16/5/2023 tại mức 7.200 đồng. Với "sức khỏe" hiện tại, chưa có gì thực sự chắc chắn để đảm bảo kế hoạch tăng vốn của công ty có thể diễn ra thành công.

Cổ phiếu dầu khí "họ P" bùng nổ, HNG tăng cận trần

16 doanh nghiệp VN30 báo tăng trưởng lợi nhuận âm quý 1/2023, duy nhất Novaland báo lỗ

Dragon Capital vừa bán xong 500.000 cổ phiếu, PVS bứt mạnh 5%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-sbs-to-chuc-bat-thanh-dhcd-thuong-nien-lan-2-183420.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chứng khoán SBS tổ chức bất thành ĐHCĐ thường niên lần 2
POWERED BY ONECMS & INTECH