Tháng 4/2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước là một trong những nhân tố khiến thị trường rung lắc mạnh khi bán ròng trở lại. Trong khi đó, cả khối ngoại và tổ chức trong nước đều giao dịch khá tích cực.
Trong những tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục đà hồi phục khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Đối với trong nước, những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế thế giới duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Nhờ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung vẫn phát triển ổn định và là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp.
Kết tháng 4/2022, VN-Index dừng ở mức 1.366,8 điểm - giảm 125,35 điểm (-8,4%) so với cuối tháng 3; HNX-Index cũng giảm 83,79 điểm (-18,6%) xuống 365,83 điểm; UPCoM-Index giảm 12,73 điểm (-10,9%) xuống 104,31 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh trong đó tổng giá trị giao dịch bình quân trong tháng này đạt 26.299 tỷ đồng/phiên - giảm 18,8% so với tháng 3; giá trị khớp lệnh bình quân giảm 19,8% xuống còn 24.194 tỷ đồng/phiên.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước là một trong những nhân tố khiến thị trường rung lắc mạnh khi bán ròng trở lại. Trong khi đó, cả khối ngoại và tổ chức trong nước đều giao dịch khá tích cực.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân đã ngắt chuỗi 18 tháng mua ròng liên tiếp ở sàn HOSE khi bán ròng trở lại 4.683 tỷ đồng (3.786 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh).
Cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất mã MWG với 644 tỷ đồng; VNM và ACB đứng sau với giá trị bán ròng đều trên 500 tỷ đồng; NVL và TCB cũng bị bán ròng trên 400 tỷ đồng.
Trong khi đó, VHM đứng đầu danh sách mua ròng của dòng vốn này với 1.166 tỷ đồng; VPB và DIG cũng là hai mã có giá trị mua ròng của các cá nhân trên 1.000 tỷ đồng.
Trái ngược với nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước mua ròng trở lại 770 tỷ đồng sau 2 tháng bán ròng liên tiếp trong đó dòng vốn này mua ròng 1.957 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.
HPG là cổ phiếu được các tổ chức mua ròng mạnh nhất với 507 tỷ đồng; ACB và TCB được mua ròng lần lượt 506 tỷ đồng và 419 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, DIG bị dòng vốn này bán ròng lên đến 1.068 tỷ đồng; VPB và MWG bị bán ròng lần lượt 1.047 tỷ đồng và 854 tỷ đồng.
Đồng pha, khối ngoại sàn HOSE chấm dứt chuỗi 8 tháng bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 3.914 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ tính theo phương thức khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này mua ròng 1.828 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã MWG với giá trị gần 1.500 tỷ đồng (hầu hết được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận). Tiếp sau đó, VNM cũng được mua ròng mạnh với giá trị 512 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 376 tỷ đồng. GEX, DGC, DPM và NLG đều có giá trị mua ròng trên 300 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 1.292 tỷ đồng; HPG và VND đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 958 tỷ đồng và 238,6 tỷ đồng.