Chuyên gia: Chính sách thuế của ông Trump có nguy cơ khiến Mỹ nợ nhiều gấp đôi so với bà Harris
Các mức thuế quan nhắm vào Trung Quốc của cựu Tổng thống Mỹ được cho là sẽ dẫn đến tổn thất doanh thu đáng kể cùng với "hệ lụy kinh tế và địa chính trị".
Theo một nghiên cứu, kế hoạch thuế quan của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - bao gồm cả thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - có thể làm giảm 2,7 nghìn tỷ USD nợ công của Mỹ trong thập kỷ tới nhưng cũng có thể gây ra tổn thất doanh thu và “hệ lụy địa chính trị”.
Báo cáo được công bố mới đây của Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB) - một tổ chức phi lợi nhuận - cho thấy các đề xuất thuế của ông Trump có khả năng làm tăng gấp đôi nợ quốc gia so với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Cụ thể, các chính sách dưới thời ông Trump sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng tới 15,15 nghìn tỷ USD. Con số này với kế hoạch của bà Harris là 8,1 nghìn tỷ USD.
Ông Trump từ lâu đã ủng hộ việc áp đặt thuế quan cao lên hàng nhập khẩu của Mỹ, cho rằng điều này có thể giúp tạo việc làm trong nước và giảm thâm hụt ngân sách liên bang.
Kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024, cựu Tổng thống đã đề xuất thuế quan toàn cầu 10% hoặc 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, cũng như mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra, mức thuế 10% có thể mang lại 2,5 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hoặc 4,30 nghìn tỷ USD nếu ông Trump áp dụng mức thuế 20%. Tuy nhiên, những con số này vẫn sẽ không đủ để bù đắp chi phí của các chính sách tài chính khác của ông.
Ngoài ra, kế hoạch áp thuế của ông còn có khả năng dẫn đến tổn thất doanh thu đáng kể, cùng với "hệ lụy kinh tế và địa chính trị" - đặc biệt là khi áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với tư cách là Tổng thống, ông Trump đã nhắm vào Bắc Kinh bằng cách áp thuế lên hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, phần lớn trong số đó vẫn có hiệu lực.
Trong chiến dịch tranh cử lần này, ông cam kết sẽ tiếp tục tăng cường thuế quan nếu tái đắc cử, cáo buộc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải chịu trách nhiệm cho thâm hụt thương mại lớn với Mỹ và "cướp" việc làm của người Mỹ.
Một trong những mục tiêu chính của ông Trump là xe điện, loại phương tiện từng được ông gọi là "trò lừa đảo xanh mới". Tại một cuộc vận động ở bang Wisconsin mới đây, ông đã đe dọa sẽ áp thuế 200% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu từ Mexico.
Theo SCMP, xe điện được sản xuất tại Trung Quốc đang phải chịu mức thuế 100% dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cho rằng sản phẩm này đã làm suy yếu ngành sản xuất của Mỹ.
Tuần trước, Liên minh Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ mức thuế bổ sung lên đến 45% đối với xe điện Trung Quốc kể từ tháng 11 sau nhiều lần đàm phán thất bại.
Trong khi đó, Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích động thái của các quốc gia phương Tây là "bừa bãi" và "không công bằng", cảnh báo chúng sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau đó, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với những khoáng sản quan trọng cần thiết để sản xuất xe điện.
Những phát hiện trong báo cáo này theo sau các nghiên cứu tương tự - cảnh báo về những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ nếu đề xuất áp thuế của ông Trump đối với Trung Quốc trở thành hiện thực.
Vào tháng 9, Tax Foundation - một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington - ước tính mức thuế 10% toàn cầu và mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ làm giảm GDP của Mỹ khoảng 0,8%.
Một báo cáo khác của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson khẳng định rằng biện pháp thuế của ông Trump sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế yếu hơn, lạm phát cao hơn và mất việc làm.
Nếu Trung Quốc quyết định trả đũa, báo cáo này cho biết thêm, GDP Mỹ sẽ giảm hơn 0,2% so với mức cơ bản vào năm 2026 trong khi lạm phát tăng 0,6 điểm phần trăm vào năm 2025.
Theo SCMP
>> Ông Trump nắm lợi thế từ phiếu bầu sớm trước bà Harris tại các bang chiến địa
Phó Tổng thống Harris phản bác tuyên bố 'thù trong' của ông Trump
Ông Trump công kích bà Harris, đề nghị làm bài kiểm tra nhận thức