'Có 9X khởi nghiệp từ củ gừng, củ sả, thu cả trăm tỷ đồng/năm'

19-07-2023 20:44|khởi nghiệp

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc - tại hội nghị 'Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức' diễn ra sáng 19/7.

Doanh thu trăm tỷ nhờ áp dụng công nghệ 

Theo ông Trung, trước đây khi nhắc đến nông nghiệp, người ta thường đề cập tới điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc ngược lại. Song, thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng công nghệ, những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã có bước chuyển mình rõ rệt.

Tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cùng các bạn trẻ từ rất sớm, ông Trung chứng kiến sự chuyển mình và thay đổi rõ rệt. Nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh, là sự lựa chọn đúng đắn. 

Như mô hình khởi nghiệp từ cỏ cây hoa lá của hai bạn trẻ thuộc thế hệ 9X. Họ biết áp dụng những kiến thức khi theo học chuyên ngành hóa học, cộng với sự nhạy bén, ham tìm tòi nên đã tạo ra được những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ thiên nhiên, như dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt... 

Điều đặc biệt, các sản phẩm này đều là sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc từ những nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm như củ gừng, củ sả, lá chanh,... Hiện, doanh thu của 2 bạn trẻ này lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm, ông chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Trung: Nhiều mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (Ảnh: Phạm Hưng).

Theo ông Trung, nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất, các dự án đều gia tăng giá trị, tạo nên những doanh nghiệp được định giá cả trăm tỷ đồng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, kể rằng, bản thân ông cũng bắt đầu khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã chọn và tìm ra được con đường đúng đắn, đó là xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa”, ông nói. Theo ông, từ cây rau má mọc dại ở nhiều nơi nay doanh nghiệp đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá,... của công ty giờ rộng trên 200ha. 

Riêng giá rau má tươi được đơn vị của ông thu mua ở mức 15.000-20.000 đồng/kg. Người dân trồng rau má có thu nhập bình quân 12-15 triệu đồng/tháng, hộ cao nhất lên tới 40-60 triệu đồng/tháng.

“Sản phẩm chế biến từ rau má được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Úc,... Tháng 9 này, một đối tác ở Nhật Bản đã mời chúng tôi sang để hợp tác nhập khẩu bột rau má”, ông Tân cho hay.

Để được như hôm nay, ông Tân mất 4-5 năm trời vật lộn với rất nhiều khó khăn trong vấn đề tích tụ ruộng đất, cơ chế thủ tục... đặc biệt là vốn để đầu tư sản xuất.

Ông Tân mong Chính phủ hỗ trợ các startup về lãi suất, nguồn vốn, để những người khởi nghiệp như ông có thể giảm giá thành sản phẩm. Cá nhân ông đang đặt mục tiêu năm 2025 sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến, giảm giá thành từ 25-30% để ai cũng có thể mua được sản phẩm bột rau má, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.

Phải biết bắt 'trend', bước qua vùng an toàn

Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết, hiện có nhiều chính sách cởi mở trong nông nghiệp, như Luật Đất đai khuyến khích nông dân tích tụ đất đai tiến tới sản xuất lớn.

Để tiếp cận chính sách hỗ trợ, ông cho rằng, các startup cần có đội ngũ tư vấn về tổ chức sản xuất để thuyết phục cơ quan quản lý vào cuộc hỗ trợ. Như ông Tân đã tiếp cận được các sở ban ngành ở địa phương để được hỗ trợ về vốn tín dụng, đất đai, ông Tiến dẫn chứng.

Các startup cần "bắt trend" thị trường để có những hướng đi đúng (Ảnh: TL).

Ngoài những khó khăn về vốn, vướng mắc về chính sách, thiếu truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Tiến Trung nhìn nhận, các bạn trẻ cần “bước qua vùng an toàn” của chính mình. Từ đó, thay đổi tư duy, hòa nhập xu hướng mới với điều kiện, tiêu chuẩn mới, đồng thời “làm nhỏ nhưng nghĩ lớn” để đưa sản phẩm đi khắp Việt Nam và toàn cầu.

Ông Trung chỉ rõ, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch và hữu cơ vẫn là xu hướng cần theo đuổi, từ đó tăng được giá bán và uy tín sản phẩm. Ở nước ta, có thể hướng tới các sản phẩm OCOP 4-5 sao, tạo ra sự khác biệt trên thị trường. 

Ngoài ra, ông lưu ý cần tìm cách để đẩy mạnh xuất khẩu. Thực tế cho thấy, xuất khẩu nông sản của nước ta đang là thế mạnh, các số liệu xuất khẩu là điểm sáng của ngành. Cần tận dụng và bắt được những “trend” này để xuất khẩu tốt hơn.

Ông Trung cũng chia sẻ về xu hướng lựa chọn những sản phẩm tinh chế áp dụng công nghệ cao.

“Giám đốc một đơn vị chuyên sản xuất tinh bột kháng từ đậu xanh và chuối tiết lộ đã liên kết với P&G để khai thác vùng nguyên liệu chuối trong Quảng Nam, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo để đưa tinh bột kháng vào nhằm gia tăng giá trị và phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại. Thay vì bán chuối tươi giá chỉ mười mấy nghìn 1kg, họ chiết xuất ra tinh bột kháng bán cho các tập đoàn lớn, mang lại hàng trăm tỷ đồng”, ông nói. 

Tương tự, các startup phải tận dụng được mạng lưới logistics đang phát triển rất nhanh để đẩy mạnh kênh phân phối online. Doanh số có dự án nhờ đó đã tăng lên cả chục lần. Như dự án thịt chua Phú Thọ, sau khi xây dựng hệ thống 5.000-6.000 nhà phân phối online, doanh thu từ 500 triệu đồng/năm lên tới 100 tỷ đồng sau khoảng chục năm. 

Trong quá trình làm, cần hiểu rõ sản phẩm, xây dựng thương hiệu uy tín. Quan trọng hơn cả, yếu tố trung thực trong kinh doanh phải đặt lên hàng đầu, ông Trung nhấn mạnh.

Từng vay tiền từ 30 người để khởi nghiệp, cụ ông 82 tuổi trở thành tỷ phú đô la nhờ đế chế đồ ăn nhanh

‘Bắt tay’ NVIDIA, Việt Nam vươn tầm trong kỷ nguyên AI

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/co-9x-khoi-nghiep-tu-cu-gung-cu-sa-thu-ca-tram-ty-dong-nam-2167176.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Có 9X khởi nghiệp từ củ gừng, củ sả, thu cả trăm tỷ đồng/năm'
    POWERED BY ONECMS & INTECH