Vĩ mô

Cơ chế cho điện mặt trời mái nhà 'bị chê' chưa hấp dẫn, Bộ Công Thương nói gì?

Hạnh Nguyên 29/07/2023 - 22:32

Trong khi một số bộ, ngành cho rằng cần khuyến khích mở rộng phạm vi lắp đặt điện mặt trời mái nhà thì Bộ Công Thương cho rằng, không cần cơ chế khuyến khích.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết, quyết định này quy định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở và cơ quan công sở tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo nội dung cơ bản của dự thảo cơ chế thì ĐMTMN liên kết với hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thoả thuận đấu nối.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng ĐMTMN thực hiện chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế phí, lệ phí.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở (Ảnh: EVN).

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng ĐMTMN phải đảm bảo hiệu quả và các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường đối với các công trình xây dựng có lắp đặt ĐMTMN.

Sau thời gian lấy ý kiến cho dự thảo, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến của 15 bộ, cơ quan ngang bộ. Các ý kiến đều muốn mở rộng phạm vi lắp đặt ĐMTMN.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đối tượng áp dụng của cơ chế lần này là ĐMTMN lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở. Việc mở rộng đối tượng như đều nghị của các bộ để áp dụng cơ chế sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong các quy định sau này.

Bộ Công Thương cho rằng, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt đặt ra mục tiêu đến năm 2030 công suất ĐMTMN (không phân biệt loại hình) và điện mặt trời tự sản, tự tiêu tăng thêm khoảng 2.600MW. Với quy mô này thì không cần ban hành cơ chế khuyến khích để lắp đặt ĐMTMN.

Bộ Công Thương lý giải: Chỉ cần khoảng 12,5% nhà dân trên cả nước, mỗi gia đình lắp đặt 1 kW trong năm 2023 là đã hoàn thành mục tiêu tăng thêm về cơ cấu nguồn ĐMTMN cho cả kỳ quy hoạch (năm 2021-2030) được đặt ra trong Quy hoạch điện VIII.

Đây là chưa kể đến ĐMTMN của cơ quan công sở, điện mặt trời tự sản, tự tiêu và đặc biệt ĐMTMN nêu tại khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Qua đó, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép ĐMTMN để tự sản, tự tiêu, tự sử dụng được liên kết với lưới điện (đấu nối sau công tơ mua điện) nhưng không phát điện lên lưới điện quốc gia; tổng công suất phát triển đến năm 2030 là 2.600MW; cơ chế ban hành theo hình thức là quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, khi chính sách này được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đánh giá, dự thảo mới đưa ra các cơ chế khuyến khích chung, chưa thực sự tạo ra được cơ chế có tính hấp dẫn, thu hút việc đầu tư vào hệ thống ĐMTMN. 

Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình hỗ trợ người dân, tổ chức tham gia vào việc đầu tư xây dựng hệ thống ĐMTMN bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. 

‘Vạn lý trường thành điện mặt trời’ dài 133km, lượng điện đủ để đáp ứng nhu cầu hàng năm của 'siêu đô thị' lớn hàng đầu Trung Quốc

Điện mặt trời ban công, mô hình thành công tại Đức

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/co-che-cho-dien-mat-troi-mai-nha-bi-che-chua-hap-dan-bo-cong-thuong-noi-gi-2171051.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cơ chế cho điện mặt trời mái nhà 'bị chê' chưa hấp dẫn, Bộ Công Thương nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH