Mang đặc tính của một ngành có chu kỳ kinh doanh biến động mạnh, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng diễn biến khá nhạy cảm với biên độ cao bất kể sức khỏe tài chính, vị thể của công ty chứng khoán.
Thị trường dự đoán Fed tăng lãi suất nên dòng chứng khoán là dòng bị ảnh hưởng rất mạnh trong phiên hôm nay. Đầu phiên chiều 15/6/2022, nhiều mã giảm sàn có thể kể đến như CTS, VIX, APG, BSI, VND; ông lớn SSI cũng đang cận giá sàn; VND đáp sàn với dư bán giá sàn 2,9 triệu đơn vị; HCM giảm 6,1%, VCI giảm 5,3%...
Số liệu lạm phát cao kỷ lục trong vòng 40 năm của Mỹ khiến giới đầu tư lo ngại Fed sẽ có những động thái thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn trong kỳ họp tới đây. Nhiều dự báo cho rằng, Fed có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất thêm 0,75% sẽ khiến dòng tiền rút khỏi các tài sản tài chính rủi ro cao. Có độ nhạy cao với thị trường, phản ứng của các cổ phiếu nhóm chứng khoán phiên hôm nay cũng không phải quá bất ngờ.
Thực tế, không phải đến bây giờ những khó khăn mới xuất hiện mà nhóm chứng khoán đã chịu áp lực bán mạnh trong nhiều tháng qua sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái. Gần như chỉ còn VND chưa thủng đáy 1 năm nhưng nếu so với đỉnh, cổ phiếu này cũng đã mất gần 40% thị giá. Trong khi đó, một loạt cổ phiếu như SSI, HCM, VCI, MBS, SHS,... đều đã đánh mất thành quả tăng giá trong giai đoạn thăng hoa trước đó cùng mức giảm hàng chục % so với thời điểm cách đây 1 năm.
Diễn biến thị trường không thật sự thuận lợi cùng thanh khoản sụt giảm mạnh là những yếu tố chính khiến cổ phiếu ngành chứng khoán gặp khó. Việc lãi suất rục rịch tăng sau thời gian dài duy trì ở mức thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền vào thị trường. Ngoài ra, những biến cố trên trái phiếu cũng tác động đáng kể đến thanh khoản thị trường cổ phiếu.
Theo thống kê, thanh khoản bình quân phiên trên HOSE đã có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán, thanh khoản thấp cũng khiến cổ phiếu ngành chứng khoán khó hấp thụ được lượng cung lớn từ các đợt phát hành tăng vốn trước đó
Nhìn lại hai năm thăng hoa 2020 – 2021, tác động kép từ sức nóng của thị trường chứng khoán kết hợp với lợi nhuận đột biến đã đẩy giá hàng loạt cổ phiếu chứng khoán thăng hoa, mức tăng bằng lần không hiếm tại nhóm cổ phiếu này, cá biệt có mã tăng tới 10 lần chỉ trong chưa khoảng 2 năm 2020 đến 2021.
Mang đặc tính của một ngành có chu kỳ kinh doanh biến động mạnh, cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng diễn biến khá nhạy cảm với biên độ cao bất kể sức khỏe tài chính, vị thể của công ty chứng khoán.
Triển vọng cổ phiếu chứng khoán trong và sau năm 2022 ra sao?
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, giới phân tích cho rằng, trong nửa cuối năm 2022 thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục điều chỉnh đi ngang trong khoảng 1.200 đến 1.400 điểm. Về dài hạn, sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung sẽ bắt đầu có sự phân hóa lớn giữa các công ty theo nhiều yếu tố.
Chất lượng dịch vụ đầu tư: Giai đoạn hiện nay, đội ngũ các nhà đầu tư F0 dần trưởng thành và hiểu biết hơn. Do vậy các các yêu cầu về chất lượng dịch vụ và cơ chế tính phí dịch vụ lành mạnh cũng sẽ tăng lên dẫn đến lợi nhuận biên cho mảng khách hàng cá nhân sẽ giảm xuống.
Việc giữ chân và phát triển khách hàng sẽ không còn ồ ạt theo xu hướng mà sẽ chú trọng vào chất lượng dịch vụ, dĩ nhiên kết quả là các công ty chứng khoán mang tiếng xấu, thiếu chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư sẽ dần dần bị mất thị phần.
Chính sách và định hướng của nhà nước đối với thị trường chứng khoán: Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan có thẩm quyền đang cho thấy rõ sự quyết tâm nâng hạng và phát triển thị trường không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng. Hàng loạt các chỉ đạo và hành động quyết liệt chấn chỉnh thị trường ở cả các khối doanh nghiệp và các lãnh đạo liên quan đã được thực hiện.
Bên cạnh kết quả làm trong sạch thị trường, điều này cũng sẽ đồng thời khiến các công ty chứng khoán "khó làm ăn" hơn và phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp khắt khe hơn. Đây là xu hướng đặc biệt tốt cho nhà đầu tư cá nhân và sự phát triển bền vững của thị trường. Bởi tình trạng hiện nay, các rủi ro đạo đức ở các loại hình tư vấn, môi giới chứng khoán là rất lớn cho khách hàng cá nhân.
Sự cạnh tranh của các công ty trong ngành: Giai đoạn 2017 - 2022, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự cạnh tranh tăng lên đáng kể trong ngành chứng khoán, chủ yếu từ việc giảm phí dịch vụ. Nhiều công ty chứng khoán mới thành lập đã chấp nhận giảm phí sâu, hoặc miễn phí giao dịch một thời gian cho nhà đầu tư để gia tăng lượng khách hàng.
Trong giai đoạn tiếp theo, đội ngũ Vnstockmarket tin rằng sự cạnh tranh sẽ còn đến từ chất lượng dịch vụ qua đó tác động khiến lợi nhuận các công ty chứng khoán có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, những công ty có thương hiệu, ít tai tiếng, quản lý và đào tạo chất nhân viên tốt hay xây dựng cơ chế phí lành mạnh hơn cho khách hàng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc giữ chân khách hàng.
Đánh giá về triển vọng ngành, ACBS cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi tỷ lệ cá nhân có tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp. Tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước vào cuối tháng 5 mới đạt 5,6 triệu, chiếm gần 5,7% dân số.
Trong khi đó, lượng tài khoản mở mới đang tăng chóng mặt với gần nửa triệu tài khoản mở mới trong tháng 5, gần gấp đôi kỷ lục cũ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nội mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
ACBS cho rằng mảng môi giới chứng khoán có mức độ cạnh tranh cao khi có tới 74 công ty chứng khoán trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt giữa các công ty.
Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh dự báo sẽ gặp khó khăn trong quý II/2022 do thị trường diễn biến kém thuận lợi. Đây là 2 mảng hoạt động chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán bên cạnh cho vay ký quỹ (margin).