Cổ phiếu Coteccons (CTD) tăng mạnh thứ 2 sàn HoSE năm 2023: Dấu ấn sau trượt thầu dự án sân bay Long Thành

05-01-2024 22:33|Quốc Trung

Trong lúc các cổ phiếu thầu xây dựng đang chuyển động ì ạch, cổ phiếu CTD của Xây dựng Coteccons đã tăng giá bằng lần.

"Á quân" tăng giá trên sàn HoSE năm 2023

Kết phiên giao dịch ngày 3/1/2024, cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons (sàn HoSE) tăng 4,9% lên mức 71.000 đồng/cp - mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.

Việc cổ phiếu CTD lên cao nhất sau gần 2 năm có dấu ấn lớn từ hành trình tăng giá ấn tượng trong năm 2023. Khởi đầu ở vùng giá 24.675 đồng/cp (mức gần như thấp nhất kể từ tháng 5/2014), cổ phiếu CTD kết năm tại mức 68.800 đồng/cp.

Mức tăng gần 180% giá trị đã đưa CTD lên vị trí á quân tăng giá trên sàn HoSE trong năm 2023 (chỉ sau cổ phiếu Chứng khoán VIX). Đáng nói, đây cũng là cổ phiếu duy nhất thuộc nhóm hạ tầng, xây dựng lọt Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE năm vừa qua.

>> Chủ tịch Coteccons: Cổ phiếu CTD chưa phản ánh đúng giá trị, cổ đông kiên nhẫn sẽ sớm được quả ngọt

Mùa mưa đến sớm trên công trường
Diễn biến giá cổ phiếu CTD

Những dấu ấn trong năm Covid-19 thứ tư

Mới nhất, thông tin hợp tác với doanh nghiệp trong hệ sinh thái TTC Group của Chủ tịch Đặng Văn Thành trở thành động lực tiếp theo giúp cổ phiếu CTD bay cao.

Cụ thể, ngày 23/12, tại trụ sở Tập đoàn TTC đã diễn ra lễ ký kết hợp tác thi công xây dựng dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng giữa CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (Mã SCR - HoSE) và Xây dựng Coteccons.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành cho biết sự kiện này mang đến nhiều cơ hội cho 2 doanh nghiệp, chính thức mở đầu cho sự hợp tác kinh doanh lâu dài nhằm cộng hưởng thương hiệu, năng lực sẵn có; tạo ra một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2024 và là tiền đề cho sự hợp tác dài hạn trong tương lai.

Trước đó ngày 5/12, HĐQT Coteccons đã công bố Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương mua lại 100% vốn góp của một công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ điện. Dù thông tin cụ thể về doanh nghiệp cơ điện cũng như giá trị thương vụ không được tiết lộ, song việc tiến công lĩnh vực mới là một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động của Coteccons, tạo sự đa dạng hóa cho hoạt động kinh doanh cốt lõi (xây dựng) nhằm tăng nguồn doanh thu cho tập đoàn.

Sự thay đổi của ông lớn làng thầu xây dựng trong năm 2023 còn đến từ việc điều chỉnh niên độ kinh doanh từ năm tài chính Dương lịch sang giai đoạn 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau.

Kết quả bước đầu của thay đổi này là khoản doanh thu 4.124 tỷ đồng trong quý I/2024 (từ 1/7/2023 đến 30/9/2023) - tăng 32,5% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, công ty thu về hơn 100 tỷ lãi gộp, cao gấp 3 lần con số cùng kỳ. Nhờ tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động, Coteccons báo lãi sau thuế gần 67 tỷ đồng trong khi cùng kỳ niên độ trước lỗ hơn 3,5 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất kể từ quý I/2021.

Mùa mưa đến sớm trên công trường

>> Năm 2022: Loạt ông lớn "làng" thầu "gục ngã" trên công trường xây dựng

Được biết, trong niên độ mới, công ty đặt mục tiêu gần 17.800 tỷ đồng doanh thu thuần - mức cao nhất 4 năm; lợi nhuận sau thuế phấn đấu 274 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2023, nợ phải trả của CTD giảm về mức 12.200 tỷ đồng. Dù vậy, vay nợ tài chính của công ty chỉ vỏn vẹn hơn 1.100 tỷ đồng.

Cổ phiếu CTD tỏa sáng, VCG, HBC, FCN ở đâu?

Đầu tiên cần nhấn mạnh rằng Coteccons với tư cách là doanh nghiệp đứng đầu liên danh Hoa Lư, cùng với một doanh nghiệp niêm yết khác là Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC) đã trượt gói thầu 5.10 (giá trị hơn 35.000 tỷ đồng) thuộc dự án sân bay Long Thành hồi giữa quý III/2023.

Mùa mưa đến sớm trên công trường
Quang cảnh thi công gói thầu 5.10 thuộc dự án sân bay Long Thành

>> VIETUR cập nhật tiến độ thi công gói thầu 35.200 tỷ, dự án sân bay Long Thành

Trước khi được thông báo trượt thầu, cổ phiếu CTD xuất hiện nhịp điều chỉnh từ vùng giá 60.x hồi giữa tháng 7 về dưới mức 44.0 đồng tại thời điểm cuối tháng 8. Thời điểm đó, nhóm cổ phiếu của các nhà thầu trong liên danh VIETUR (VCG, CC1, PHC, HAN) đồng loạt tăng mạnh và kéo dài nhịp tích cực tới đầu tháng 9.

Tuy nhiên, khi những cự cãi, dư âm về gói thầu 5.10 dần qua đi, diễn biến cổ phiếu CTD kể từ cuối tháng 8 tới hiện tại lại là "kỳ tích". Cổ phiếu Coteccons ghi nhận nhịp tăng hơn 63% trong hơn 4 tháng trở lại đây. Thậm chí trong cú rơi 200 điểm của VN-Index giai đoạn cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, cổ phiếu CTD gần như không bị ảnh hưởng nhiều.

Ngược lại, các mã VCG, CC1, FCN, HBC, HAN... đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể trở lại vùng giá cũ hồi giữa tháng 9/2023.

Năm 2023, trong khi FCN tăng gần 60%, VCG tăng hơn 50%, HAN tăng hơn 30%, HBC giảm gần 15%... thì CTD lại tạo ra sự khác biệt lớn.

Chủ tịch Coteccons nói gì về giá cổ phiếu?

Còn nhớ tại ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2024 (1/7/2023 - 30/6/2024) diễn ra hồi giữa tháng 10/2023, khi cổ đông đặt câu hỏi liên quan tới giá cổ phiếu CTD, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons nhận định: "Giá cổ phiếu hiện nay không hề phản ánh đúng giá trị và tiềm năng của công ty. Cổ đông hãy kiên nhẫn và nên nhìn vào dài hạn".

Mùa mưa đến sớm trên công trường
Chủ tịch Coteccons cho biết cổ phiếu CTD chưa phản ánh đúng giá trị, cổ đông kiên nhẫn sẽ sớm được quả ngọt

"Những hạt giống mà chúng ta gieo trồng 1-2 năm gần đây sẽ sớm hái được quả ngọt. Nếu so sánh những chỉ số về quản lý rủi ro, tiềm năng của Coteccons thì doanh nghiệp đang có một thang điểm tốt trong ngành xây dựng".

Người đứng đầu Coteccons khẳng định: "Nếu nhìn sâu sắc hơn về chất lượng, năng lực và khả năng hợp tác cùng những mục tiêu đề ra thì chắc chắn giá cổ phiếu phải cao hơn hiện tại".

Quay trở lại câu chuyện tại dự án sân bay Long Thành, dù trượt gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng song Coteccons cho biết đã tích trữ được khối lượng công việc khổng lồ cho giai đoạn 2024-2025 với lượng backlog từ 18.000-20.000 tỷ đồng.

Có thể điểm mặt một số gói thầu đã trúng như: Tổ hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất giai đoạn 1 (giá trị hợp đồng khoảng 1.350 tỷ đồng), nhà máy sản xuất ô tô VinFast ở Hải Phòng (giá trị hợp đồng xấp xỉ 7.000 tỷ đồng). Hay như dự án nhà máy sản xuất đồ chơi LEGO (được xây trên nền diện tích 44ha tại tỉnh Bình Dương với tổng giá trị hợp đồng ước tính đạt 10.000 tỷ đồng).

Cho năm 2025, công ty phấn đấu đạt doanh thu 3 tỷ USD và nâng vốn hoá lên mức 1 tỷ USD. Chủ tịch Bolat khẳng định: "Coteccons sẽ làm được và sẽ đạt được nhưng thời gian có thể mất lâu hơn". Thêm vào đó, thất bại ở dự án sân bay Long Thành không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch kinh doanh.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, nhờ lượng backlog dồi dào, doanh thu xây dựng của CTD đã phục hồi từ năm 2022 - tăng trưởng 60,3% so với cùng kỳ lên mức 14.517 tỷ đồng. Mặc dù vẫn còn cách xa so với thời kỳ 2017-2019 song mức tăng 30,9% doanh thu đủ để giúp công ty lấy lại vị trí đầu bảng sau 9 tháng năm 2023. Cùng thời điểm, các doanh nghiệp khác chứng kiến mức giảm 2 chữ số.

>> VNDirect: Coteccons (CTD) có thể thu gần 7.400 tỷ đồng từ dự án LEGO năm 2024

Sau Coteccons (CTD), đến lượt Hòa Bình (HBC) trúng gói thầu gần 4.000 tỷ đồng tại Hải Phòng

Cổ phiếu Coteccons (CTD) lên cao nhất 2 năm

Cổ phiếu xây dựng từng tăng 180% trong tháng 5 bất ngờ nhận án phạt nặng

Bài thuộc chủ đề Chuyện liên doanh Hoa Lư - Vietur
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-coteccons-ctd-tang-manh-thu-2-san-hose-nam-2023-dau-an-sau-truot-thau-du-an-san-bay-long-thanh-218292.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cổ phiếu Coteccons (CTD) tăng mạnh thứ 2 sàn HoSE năm 2023: Dấu ấn sau trượt thầu dự án sân bay Long Thành
POWERED BY ONECMS & INTECH