Kể từ khi Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long thông tin tại ĐHCĐ hồi tháng 5/2022, đến thời điểm này, những gì đã và đang ập đến với doanh nghiệp đầu ngành thép là rất thê thảm.
Cổ phiếu HPG về đáy tháng 11/2020
Sau khi lập đỉnh 1.524 điểm trong phiên 4/4/2022, thị trường chứng khoán đã liên tiếp trải qua những đợt biến động mạnh và điều chỉnh về các vùng giá cũ. Đà giảm của thị trường đã lấy đi những gì tích lũy được của hàng trăm cổ phiếu lớn nhỏ trên thị trường đồng thời bào mòn túi tiền của cả chục vạn cổ đông.
Chỉ tính riêng rổ VN30 đã ghi nhận tới 27/30 cổ phiếu giảm giá so với thời điểm đầu năm 2022 trong đó có 18 cổ phiếu có mức giảm trên 20% và 16 mã giảm trên 24% - cao hơn mức giảm của thị trường. Những nỗi buồn lớn nhất hiện đang gọi tên SSI, GVR, HPG, VIC,...
Sau 9 tháng, SAB hiện đang là cổ phiếu đắt nhất rổ VN30 trong khi có tới 8 mã lớn giao dịch dưới ngưỡng 20.000 đồng (tính đến phiên 4/10/2022).
Một trong những mã gây chú ý nhất cho đến thời điểm này là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với mức giảm 40% kể từ đầu năm. So với đỉnh thời điểm cuối tháng 10/2021, cổ phiếu HPG đã để mất 55% thị giá qua đó xóa đi mọi thành quả tăng giá trong năm 2021.
Kết phiên 4/10, HPG là 1 trong thị giá cổ phiếu HPG chỉ còn 18.850 đồng/cổ phiếu. Mã sau đó tăng 1,9% trong phiên 5/10 lên mức 19.200 đồng/cổ phiếu. Trên một số diễn đàn, nhiều nhà đầu tư thậm chí ví von rằng cổ phiếu HPG đã về đến Nam Định (biển số xe 18), Thái Bình (biển xe 17) nhưng về đến Hưng Yên (biển xe 89 - cũng là "đại bản doanh" của Tập đoàn) thì rất rất lâu.
Theo quan sát, lần gần nhất cổ phiếu HPG có giá 1x là nửa cuối tháng 11, đầu tháng 12/2020. Điều này đồng nghĩa với việc thị giá cổ phiếu HPG đã rơi về vùng đáy 21 tháng và hoàn toàn nằm ngoài trí tưởng tượng của hơn 160.000 cổ đông hồi đầu năm.
Với đà lao dốc mạnh, vốn hóa thị trường của Hòa Phát cũng bị “thổi bay” 140.400 tỷ đồng (~6 tỷ USD) chỉ trong chưa đầy 1 năm xuống còn dưới 110.000 tỷ đồng (tính đến hết phiên 4/10) qua đó bật khỏi Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường. Thậm chí chỉ trong 1 tuần gần nhất, vốn hóa cổ phiếu HPG đã mất tới gần 1 tỷ USD.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long
Đồng pha, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cũng bị đẩy xuống hàng 5 trong danh sách tỷ phú Forbes Việt Nam khi mất tới 1,6 tỷ USD (khoảng 50%) trong vòng nửa năm và hiện còn 1,6 tỷ USD (thứ hạng thế giới từ 951 lùi về 1.744).
Vì sao...?
Đà giảm của HPG thời gian qua phần nào đến từ việc dòng tiền trên thị trường chứng khoán không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi (freefloat) “khổng lồ”.
Theo thống kê, Hòa Phát hiện là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn sàn chứng khoán với hơn 58.000 tỷ đồng, tương ứng số lượng cổ phiếu lưu hành hơn 5,8 tỷ cổ phiếu, freefloat lên đến gần 3,2 tỷ đơn vị - chỉ xếp sau VPB (4,7 tỷ đơn vị).
Bên cạnh đó, các chính sách quản lý thị trường liên quan đến phát hành trái phiếu, tiền tệ cũng đang khiến vai trò trụ cột của HPG đang trở nên mờ nhạt.
Thêm nữa, các yếu tố cơ bản như giá thép, chi phí sản xuất và tồn kho, tỷ giá, lãi suất, cũng đã không còn ủng hộ Hòa Phát như giai đoạn trước.
Cụ thể, tính đến cuối quý II/2022, Hòa Phát đang ghi nhận giá trị tồn kho vượt 57.500 tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ cao trong số này là lượng tồn trong giai đoạn giá thép tăng mạnh hồi nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên sau giai đoạn này, giá thép liên tục điều chỉnh 15 phiên liên tiếp (đến cuối tháng 8) khiến biên lãi của Tập đoàn thu hẹp mạnh.
Lợi nhuận lao dốc trong nửa đầu năm 2022, trong khi nợ phải trả tăng mạnh lên mức 107.000 tỷ đồng (bao gồm 70.000 tỷ đồng vay tài chính) khiến HPG phải trả tới 1.314 tỷ đồng chi phí lãi vay (hơn 7 tỷ đồng mỗi ngày) - tăng 59% so với cùng kỳ 2021 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 của Hòa Phát
Đáng nói hơn, trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng mạnh, đồng USD chạm đỉnh hàng thập kỷ, chi phí lãi vay của HPG được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các quý còn lại của năm 2022 khi riêng trong quý II, tập đoàn này đã lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng.
Có nên "bắt đáy"?
Chia sẻ tại chương trình Khớp lệnh trưa 4/10/2022, ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng: “Đầu tư với hững cổ phiếu phá đáy đang thực sự áp lực. Trong giao dịch (trading) cổ phiếu phá đáy, đáy cổ phiếu chính là vùng kháng cự và sẽ test ở đó rất lâu.
Với cổ phiếu trụ - đầu ngành như HPG, việc mã thủng đáy sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với các cổ phiếu khác cùng ngành như NKG, HSG, TLH”.
Ông Du cho biết thêm, biến động giá trong ngắn hạn nhà đầu tư lớn nắm giữ cổ phiếu sẽ quyết định cung cầu trong ngắn hạn. Ngoài ra Hoà Phát, Nam Kim, Hoa Sen còn khác nhau về yếu tố kinh doanh.
"Bản chất, ngành thép là nhóm ngành chu kỳ; hiện chu kỳ giá xuống đang tiếp diễn đối với ngành này đặc biệt trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế thế giới.
“Nhìn tổng thể như thế đủ thấy để kỳ vọng ngành thép có sóng tăng mạnh là rất khó nhưng sóng hồi thì có thể. Mặc dù vậy, với những cổ phiếu vừa phá đáy mà nhà đầu tư đã vội trading thì khó có cơ hội lớn. Cổ phiếu phá đáy chứng tỏ yếu”, ông Du nhận định.
Hòa Phát (HPG) chính thức khai lò tại siêu dự án thép 85.000 tỷ đồng
SSI chỉ ra 3 yếu tố hỗ trợ TTCK tháng 12, ‘bất ngờ’ loại Hòa Phát (HPG) khỏi danh mục khuyến nghị