Cổ phiếu Novaland (NVL): 20 tháng lình xình vùng đáy, nguy cơ thủng giá 13.0?
Trường hợp cổ phiếu Novaland (NVL) bật tăng trở lại, nhiều khả năng đây chỉ là yếu tố kỹ thuật dòng tiền, khó có thể kỳ vọng giá cổ phiếu tăng bền nếu nhìn vào nội tại doanh nghiệp.
Cổ phiếu NVL về sát mốc 13.000 đồng
Sau hai phiêu hồi phục nhẹ, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland giảm trở lại 1,1% trong phiên giao dịch ngày 10/7. Mã đóng cửa tại mức 13.150 đồng, khớp lệnh 9,36 triệu đơn vị.
Tính từ đầu tháng 6, nhịp điều chỉnh kéo dài suốt 5 tuần qua khiến cổ phiếu NVL giảm hơn 12% từ sát mốc 15.000 đồng. Mức giá hiện tại của Novaland tương đương vùng đáy tháng 10/2023 (giai đoạn thị trường chứng khoán kết thúc nhịp điều chỉnh 200 điểm).
Trong cùng thời điểm, thanh khoản cổ phiếu bất động sản này liên tục suy yếu, trung bình 20 phiên gần nhất chỉ đạt 8,2 triệu đơn vị. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022 (cuối nhịp giảm sàn cả chục phiên liên tiếp của NVL).
Đã 21 tháng liên tiếp cổ phiếu NVL giao dịch dưới đường MA200 |
Xét trong khung thời gian 20 tháng, cổ phiếu NVL gần như đứng tham chiếu vùng 13.x đồng - giảm giảm gần 85% so với giá tại thời điểm đầu quý IV/2022; biên độ biến động trong vùng 10.250-22.000 đồng/cp.
Theo thống kê, giá trị giao dịch ròng của các nhóm đầu tư ở cổ phiếu bất động sản này là không quá lớn, chỉ từ vài tỷ đến dưới 15 tỷ đồng/phiên (xét trong một tháng gần nhất). Cổ phiếu NVL không phải điểm đến của dòng tiền tự doanh chứng khoán; khối ngoại mua bán tương đối cân bằng với giá trị thấp; nhà đầu tư cá nhân là bên mua vào chủ yếu - hấp thụ phần lớn lượng bán ra của dòng tiền tổ chức.
Trên đồ thị kỹ thuật, 3 tháng kể từ ngày vị thế giao dịch của các dòng tiền lớn "biến mất", cuộc chơi ở cổ phiếu NVL hiện chủ yếu ghi nhận sự góp mặt của dòng tiền nhỏ lẻ và nhóm đầu cơ. Chỉ báo RSI ở giảm về mức 35 điểm - tiệm cận ngưỡng quá bán.
Với việc giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng hỗ trợ tháng 10/2023, chưa rõ NVL sẽ đảo chiều xu hướng ngắn hạn hay một lần nữa xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ này như giai đoạn tháng 2/2023? Trường hợp cổ phiếu NVL tích lũy và bật tăng trở lại, nhiều khả năng đây sẽ là đợt hồi phục kỹ thuật của dòng tiền.
Nếu có tăng chỉ là tín hiệu kỹ thuật?
Trong khi đó, nội tại "sức khỏe" của Tập đoàn Novaland hiện không mấy tích cực. Áp lực lớn từ 58.200 tỷ đồng các khoản vay nợ (bao gồm hơn 40.000 tỷ đồng trái phiếu), cùng với việc gặp khó khăn ở không ít các dự án khiến triển vọng phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp này tương đối mịt mờ.
Sức khỏe doanh nghiệp của Novaland và trung bình ngành (Nguồn: VNDirect) |
>> Novaland (NVL): Đoàn Quốc hội khảo sát siêu dự án 'sống còn' Aqua City
Kết thúc quý I/2024, Novaland báo lỗ sau thuế 567 tỷ đồng trong khi doanh thu quý giảm 65% so với quý liên trước, còn gần 700 tỷ. Năm trước đó, tập đoàn thu về gần 4.800 tỷ đồng doanh thu, song phải nhờ đến khoản doanh thu tài chính khủng trong quý cuối năm mới giúp lợi nhuận sau thuế chuyển từ âm (9 tháng) sang dương 606 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2024, giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn ghi nhận gần 141.000 tỷ đồng - tăng nhẹ so với 4 quý trước đó. Con số này tương đương gần 60% tổng nguồn vốn của Novaland.
Theo dữ liệu phân tích của Chứng khoán TCBS, năm 2024, Novaland có thể ghi nhận mức doanh thu cải thiện mạnh với hơn 32.300 tỷ đồng - gấp 6,8 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí hoạt động có thể khiến lợi nhuận sau thuế giảm tới 94,9% về còn 25 tỷ.
Dự phóng KQKD của Novaland (Nguồn: TCBS) |
Thậm chí, TCBS dự báo trong ba năm sau đó, Tập đoàn Novaland có thể ghi nhận các mức lỗ lần lượt 591 tỷ đồng, 93 tỷ đồng và 99 tỷ đồng. Mức doanh thu cũng giảm mạnh về còn hơn 11.000 tỷ trong năm 2027.
>> ThaiBev 'tạm lỗ' 71.000 tỷ đồng ở Sabeco (SAB), số cổ tức nhận về chưa đủ tiền đóng lãi?