Sau gần 5 tháng, cổ phiếu PSH của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu đã tăng tới 211% và vượt trở lại mệnh giá. Có gì ở doanh nghiệp dầu khí vừa báo lỗ đậm năm 2022?
VN-Index dù mới khởi sắc trở lại trong 2 phiên gần đây (sau nhịp rung lắc và điều chỉnh từ đầu tháng 4/2023) song đâu đó vẫn có nhiều cổ phiếu bất ngờ tăng dựng.
Cùng với chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp của chỉ số đại diện thị trường, PSH của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu bất ngờ trở thành điểm đến của dòng tiền tại nhóm cổ phiếu dầu khí họ "P" khi đã tăng tới 113% và kết phiên 12/5 ngay sát mốc 12.000 đồng.
Rộng hơn, kể từ mức 3.840 đồng phiên 22/12/2022 (thấp nhất sau gần 3 năm niêm yết), mã hiện đã tăng tới 211% giá trị sau gần 5 tháng qua đó trở thành một trong những cổ phiếu bứt mạnh nhất sàn HOSE trong cùng thời điểm.
Mặc dù mức giá hiện tại vẫn thấp hơn 60% so với đỉnh cũ tháng 6/2021 song nhịp tăng giá thời gian vừa qua là đủ để giúp nhiều cổ đông PSH hưởng niềm vui.
Vậy PSH có gì?
Từ năm 2018 trở lại đây, Dầu khí Nam Sông Hậu - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vốn điều lệ 1.262 tỷ đồng - chưa một lần báo lỗ đến trước khi giá dầu lao dốc năm 2022.
Sau kiểm toán 2022, thậm chí khoản lỗ của công ty tăng thêm 37 tỷ đồng lên mức 237 tỷ qua đó "phá sản" tham vọng lãi đậm 348 tỷ đã được đề ra.
Đến cuối năm 2022, thậm chí doanh nghiệp xăng dầu này đang ôm khoản nợ phải trả tới 8.540 tỷ đồng - gấp tới 5,5 lần vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, bỏ qua các vấn đề về sức khỏe tài chính, động lực giúp cổ phiếu Dầu khí Nam Sông Hậu bứt mạnh trong hơn 1 tháng nay có lẽ đến từ câu chuyện kinh doanh đột biến trong quý đầu năm 2023.
Kết quý 1, PSH báo doanh thu thuần hơn 3.800 tỷ đồng - tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận gộp đạt 364 tỷ - gấp 2,6 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 6% lên 9,5%.
Nhờ việc tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động nên sau cùng, công ty báo lãi ròng “bùng nổ” gần 200 tỷ đồng - gấp 14,6 YoY.
Thời điểm cuối quý 1/2023, đại gia xăng dầu miền Tây ghi nhận tổng tài sản hơn 10.500 tỷ; nợ phải trả tăng lên mức 8.800 tỷ đồng (tương đương gần 84% tổng tài sản) trong đó 4.755 tỷ là vay nợ tài chính.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023 của PSH |
Đến thời điểm hiện tại, dù chưa tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 và công bố kế hoạch kinh doanh song những thông tin về giai đoạn 1 dự án Tổng kho Soài Rạp – Hiệp Phước sắp đi vào hoạt động có vẻ vẫn đang được nhà đầu tư quan tâm và kỳ vọng.
Theo ông Phan Văn Quang - Phó Tổng Giám đốc PSH, giai đoạn 1 dự án nêu trên đã hoàn thành và đủ điều kiện và đưa vào hoạt động mới đây. Trước đó, phía công ty đã mua cổ phần của CTCP Thương mại Hiệp Phước với trị giá khoảng 423 tỷ đồng để xin UBND tỉnh Tiền Giang mở rộng dự án gồm 2 giai đoạn.
Sau giai đoạn 1, bước sang giai đoạn 2, Dầu khí Nam Sông Hậu tiếp tục đầu tư kho chứa dầu thô theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035; đồng thời đầu tư nhà máy condensate 500.000 tấn theo chủ trương đầu tư của Bộ Công thương và Quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang.
Trở lại với câu chuyện giá cổ phiếu, nửa đầu phiên sáng 15/5/2023, PSH bất ngờ bị bán cận sàn về mức 11.200 đồng; thanh khoản tạm tính tính 10h47 đạt hơn 1,7 triệu đơn vị. Trước đó, dù tăng nhẹ trong phiên 12/5 song mã cũng đã cho tín hiệu phân phối đỉnh.
Hiện chỉ số EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của PSH vẫn đang âm 127 đồng.
Dù tăng mạnh song sức khỏe tài chính, khả năng sinh lời của PSH vẫn rất khiên tốn so với nhóm ngành và thị trường chung |