Tài chính Ngân hàng

Công an vạch trần kịch bản chuyển tiền mới của đối tượng lừa đảo

Hà An 28/10/2024 - 00:35

Công an chia sẻ tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ chiều 24/10.

Tại buổi họp báo ngày 24/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. HCM, đã cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi mà tội phạm sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân.

Theo Thượng tá Long, các đối tượng thường lập trang web, ứng dụng giả mạo ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân bằng cách chạy quảng cáo, gửi tin nhắn mạo danh hoặc giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện trực tiếp.

“Kịch bản lừa đảo liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân. Một kịch bản lừa đảo thường được sử dụng là mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học,… Sau đó, các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và mã OTP xác thực”, Thượng tá Long thông tin.

Một kịch bản lừa đảo khác là hướng dẫn nạn nhân cài đặt các ứng dụng giả trên điện thoại. Những ứng dụng này có chứa mã độc, cho phép tội phạm chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện các giao dịch chuyển tiền mà nạn nhân không hay biết.

anh-man-hinh-2024-10-28-luc-00.11.04.png
Công an vạch trần kịch bản chuyển tiền mới của đối tượng lừa đảo

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh pháp nhân, cá nhân liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh đặt mua hàng hóa. Tiếp đến, đối tượng gửi hình ảnh giả mạo hóa đơn chuyển tiền thành công với số tiền lớn hơn số tiền mua hàng thực tế và đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc đã chuyển khoản nhưng nạn nhận chưa nhận được tiền vào tài khoản (nghẽn mạng, ngân hàng đang xử lý).

Cuối cùng, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số hàng đã mua hoặc thông báo việc chuyển dư tiền để nhờ nạn nhân mua giúp các loại hàng hóa ở các doanh nghiệp khác, kèm số điện thoại liên hệ (nhưng thực chất là do các đối tượng đóng giả); hàng hóa nhờ mua giúp có giá tiền cao hơn rất nhiều so với giá trị niêm yết để kích thích “ham muốn có lời” khi mua giúp. Khi nạn nhân chuyển tiền sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt.

Do vậy, Công an TP. HCM đưa ra khuyến cáo cho người dân, cần bảo vệ thông tin cá nhân và không cung cấp mã OTP, mật khẩu cho người lạ. Ngoài ra, người dân không truy cập liên kết không rõ nguồn gốc hoặc tải ứng dụng từ nguồn không đáng tin cậy, chỉ nên cài đặt app từ App Store hoặc CH Play. Khi có giao dịch đáng ngờ, cần xác minh thông tin cẩn thận trước khi thực hiện.

Vào tháng 7/2024, Công an TP. HCM (PC02) đã bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng hóa đơn chuyển tiền giả. Quá trình điều tra mở rộng tiếp tục phát hiện thêm các đường dây tội phạm bán hình ảnh hóa đơn giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng đã bị khởi tố và cơ quan chức năng đang truy tìm những cá nhân liên quan để xử lý theo pháp luật.

>> Công an phong tỏa 18 tài khoản ngân hàng của 14 đối tượng tổ chức đánh bạc

Công an phong tỏa 18 tài khoản ngân hàng của 14 đối tượng tổ chức đánh bạc

Ngân hàng cảnh báo rủi ro gì về nội dung chuyển khoản?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cong-an-vach-tran-kich-ban-chuyen-tien-moi-cua-doi-tuong-lua-dao-256389.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Công an vạch trần kịch bản chuyển tiền mới của đối tượng lừa đảo
    POWERED BY ONECMS & INTECH