Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị thôi việc
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 7/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành) quy định về cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh), ở xã, phường, đặc khu (cấp xã).
Theo đó, dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ, công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Kết quả đánh giá sẽ được lưu vào hồ sơ, thông báo cho cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Trong trường hợp công chức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể xem xét điều chuyển công chức sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Công chức buộc thôi việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp.
>>Bộ Nội vụ: Hai năm gần đây, tình trạng công chức nghỉ việc giảm mạnh
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
So với bản dự thảo hồi tháng 4, đề xuất mới đã không còn quy định theo dõi trong 6 tháng đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thay vào đó sẽ xem xét xử lý ngay.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức. Các quy định của dự thảo Luật đã bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; đồng thời khắc phục bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm; kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.
>>Cán bộ can thiệp trái phép vào xử lý vi phạm hành chính có thể bị bãi nhiệm
Trình Quốc hội các nội dung liên quan cán bộ, công chức và sáp nhập cấp tỉnh, xã
Viện trưởng VKSND Tối cao điểm tên nhiều vụ cấu kết tinh vi giữa cán bộ với doanh nghiệp