Vĩ mô

Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên lên phương án đưa giám đốc sở, cán bộ huyện về xã

Hà Nam - Nguyễn Hiền 05/05/2025 - 08:43

Cùng với việc mở rộng địa giới, các tỉnh mới phải đối mặt với thách thức trong việc sắp xếp bộ máy và bố trí nơi ở cho đội ngũ cán bộ.

Việc hợp nhất không chỉ tái định hình không gian hành chính mà còn đặt nền móng cho chiến lược quản trị và phân bổ nguồn lực hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lần này ngoài việc hợp nhất các tỉnh, thành phố, còn có câu chuyện kết thúc nhiệm vụ lịch sử của cấp huyện. Điều này có nghĩa là kết thúc nhiệm vụ cấp huyện chứ không phải kết thúc nhiệm vụ của cán bộ cấp huyện. Do đó, để giữ chân những người giỏi, cán bộ cấp huyện cũng phải được huy động vào bộ máy.

Theo phương án được thông qua, tỉnh mới sau sáp nhập giữa Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ giữ tên TP Đà Nẵng, đặt trung tâm hành chính tại quận Hải Châu, với diện tích hơn 11.867km² và dân số hơn 3 triệu người. Đơn vị hành chính này gồm 94 xã, phường, trong đó có đặc khu Hoàng Sa.

Tỉnh Quảng Ngãi mới, sau khi hợp nhất với Kon Tum, có trung tâm tại TP Quảng Ngãi, diện tích 14.832,5km², dân số hơn 2,16 triệu người và 96 đơn vị hành chính cấp xã, phường, bao gồm đặc khu Lý Sơn.

Tỉnh hợp nhất giữa Bình Định và Gia Lai dự kiến giữ tên Gia Lai, đặt trung tâm tại TP Quy Nhơn. Diện tích tỉnh mới hơn 21.576km², dân số vượt 3,5 triệu người, với 135 xã, phường.

Anh sap nhap tinh.png

Tỉnh Đắk Lắk mới, hình thành từ Đắk Lắk và Phú Yên, sẽ đặt trung tâm hành chính tại TP Buôn Ma Thuột. Diện tích toàn tỉnh là 18.096km², dân số gần 3,35 triệu người, với 102 đơn vị hành chính cấp xã, phường.

Trước khi nghị quyết được thông qua, các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình. Tỷ lệ đồng thuận đều đạt trên 97%, trong đó Đà Nẵng ghi nhận 99,7%, Quảng Nam 98,5%, Quảng Ngãi 99,65%, Kon Tum 97,27%, Bình Định 98,38%...

Các tỉnh mới sắp xếp bộ máy thế nào?

Cùng với việc mở rộng địa giới, các tỉnh mới phải đối mặt với thách thức trong việc sắp xếp bộ máy và bố trí nơi ở cho đội ngũ cán bộ.

Sau sáp nhập, TP Đà Nẵng mới sẽ tiếp nhận hơn 51.900 cán bộ, công chức, viên chức từ hai địa phương, đồng thời triển khai lộ trình tinh giản trong 5 năm. Thành phố đã rà soát quỹ nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho cán bộ Quảng Nam, và tạm thời giữ nguyên hoạt động một số bộ phận hành chính tại TP Tam Kỳ.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Văn Bình cho biết, việc không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã sẽ dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ. Qua rà soát, tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hiện có ở cấp huyện là 3.434 người (trừ viên chức y tế và giáo dục), ở cấp xã là 4.684, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 2.620.

W-Anh 1.jpg
TP Đà Nẵng mới sau sáp nhập với tỉnh Quảng Nam sẽ có diện tích lớn nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Hà Nam

Theo đề án sáp nhập, Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay (3.289 người) kể từ ngày 1/8, giao chính quyền địa phương xem xét bố trí tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố (nếu đáp ứng yêu cầu) và thực hiện chế độ, chính sách (nếu không bố trí công tác).

Tỉnh Quảng Ngãi mới có hơn 11.000 cán bộ. Khoảng 40 giám đốc và phó giám đốc sở sẽ được điều chuyển về cấp xã nhằm tối ưu nguồn lực. Địa phương dự kiến bố trí nhà công vụ cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, hỗ trợ thuê nhà trong 2 năm cho cán bộ Kon Tum và tổ chức xe đưa đón hằng tuần.

Tại tỉnh Gia Lai mới, tổng số cán bộ sau sáp nhập là 17.228 người, trong đó khoảng 1.276 người dự kiến nghỉ theo chế độ. Bình Định đã trưng dụng nhà khách Thanh Bình làm nơi ở tạm cho cán bộ Gia Lai, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển khu nhà ở xã hội dài hạn.

Tỉnh Đắk Lắk mới sẽ tiếp nhận khoảng 1.300 cán bộ từ Phú Yên. Địa phương đã bố trí nhà khách, ký túc xá, nhà công vụ cho khoảng 700 người. Số còn lại sẽ được đưa đón hàng tuần bằng xe hợp đồng trên tuyến Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột.

W-DJI_0350 gigapixel low resolution v2 4x.jpeg
Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có diện tích đứng thứ 5 cả nước, tiếp giáp với TP Đà Nẵng, tỉnh Gia Lai, tỉnh Sekong, tỉnh Attapeu của Lào và tỉnh Ratanakiri của Campuchia. Ảnh: Hà Nam

Nhiều đề xuất sau sáp nhập

Song song với sắp xếp bộ máy, các tỉnh cũng chủ động đề xuất nhiều dự án hạ tầng nhằm tạo động lực phát triển sau hợp nhất.

Điển hình, Quảng Nam kiến nghị tích hợp quy hoạch các đô thị Tam Kỳ, Núi Thành, Đông Thăng Bình và Duy Xuyên vào kế hoạch phát triển đô thị mới nhằm tăng cường liên kết vùng và khai thác hiệu quả không gian đô thị. Đồng thời, tỉnh đề xuất xây dựng đề án phát triển miền núi phía Tây để thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.

Quảng Nam cũng kiến nghị chuyển một số trường đại học, cao đẳng từ Đà Nẵng và điều chỉnh quy hoạch làng đại học Đà Nẵng về TP Tam Kỳ, để hình thành đô thị giáo dục. Ngoài ra, tỉnh đề xuất dời khu thương mại tự do từ Đà Nẵng về huyện Núi Thành, kết hợp với sân bay Chu Lai và trung tâm logistics Chu Lai, hình thành khu cảng nước sâu trọng điểm tại miền Trung.

Đà Nẵng đề xuất chuyển đổi công năng một số trụ sở dôi dư thành trường học, cơ sở y tế, trung tâm văn hóa - thể thao hoặc công vụ vùng sâu, vùng xa. Các trụ sở không còn nhu cầu sử dụng sẽ được xử lý theo quy định. Về phương tiện, xe công cấp huyện sẽ được điều chuyển về cơ sở sau giải thể.

Anh 3.jpg
Một góc thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Hoàng Hà

Trong khi đó, Kon Tum và Quảng Ngãi đề xuất đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum và nâng cấp quốc lộ 24, đồng thời xây dựng sân bay tại Lý Sơn và thị trấn Măng Đen nhằm thúc đẩy giao thương và phát triển du lịch.

Bình Định và Gia Lai thống nhất ưu tiên tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku để kết nối cao nguyên với duyên hải. Ngoài ra, tỉnh Bình Định cũng kiến nghị xây dựng trung tâm hành chính - chính trị mới tại khu kinh tế Nhơn Hội.

Còn Phú Yên và Đắk Lắk đề xuất nâng cấp quốc lộ 29 lên 4 làn xe và đầu tư tuyến cao tốc dài 220km nối cảng Bãi Gốc với cửa khẩu Đắk Ruê. Dự án này được kỳ vọng mở rộng kết nối từ biển lên Tây Nguyên, thúc đẩy giao thương liên vùng.

Theo Bộ Nội vụ, các địa phương phải hoàn thành phương án bố trí nhân sự và tổ chức lại bộ máy trước ngày 30/6. Từ tháng 9, các tỉnh mới sẽ chính thức vận hành, hướng đến mục tiêu ổn định nhanh chóng, hình thành các cực tăng trưởng mới và đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực cũng như cả nước.

>> Loạt 'siêu' phường xuất hiện tại Hà Nội, TPHCM sau sắp xếp

Sáp nhập tỉnh: Bất động sản nghỉ dưỡng liệu có trở thành ‘điểm nóng’ mới?

Không phải Hà Nội, đây mới là địa phương giáp nhiều tỉnh, thành nhất Việt Nam sau sáp nhập

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cac-tinh-mien-trung-tay-nguyen-len-phuong-an-dua-giam-doc-so-can-bo-huyen-ve-xa-2397553.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên lên phương án đưa giám đốc sở, cán bộ huyện về xã
    POWERED BY ONECMS & INTECH