Công ty Đại Nam được bà Nguyễn Phương Hằng tiếp quản từ chồng là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng “lò vôi”). Dưới sự quản lý, điều hành của bà Hằng, Đại Nam liên tục báo lỗ lên tới 500 tỷ đồng.
Công ty Đại Nam tiền thân là CTCP Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ, được thành lập tháng 3/1996 do ông Dũng “lò vôi” làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Đại Nam nổi tiếng khi sở hữu Khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến rộng trên 450 ha. Dự án này khởi công năm 1999 và mất gần 10 năm mới hoàn thành để bắt đầu đón khách. Ngoài ra, Đại Nam cũng là chủ đầu tư các khu công nghiệp gồm Sóng Thần 1, 2 và 3 tại tỉnh Bình Dương. 3 khu công nghiệp này lần lượt có tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, 423 tỷ đồng và 936 tỷ đồng, tương ứng diện tích 178 ha, 313 ha và 534 ha…
Năm 2021, bà Nguyễn Phương Hằng (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền), thay chồng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT của công ty.
5 năm lỗ 500 tỷ đồng
Năm 2020, doanh nghiệp này đã đóng hơn 1.200 tỷ đồng tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Con số này tương đương 15% tổng nguồn thu từ đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, doanh thu và lợi nhuận của Đại Nam có xu hướng đi xuống.
Cụ thể, trong năm 2016, Đại Nam ghi nhận doanh thu 373 tỷ đồng. Năm 2017, Đại Nam tiếp tục ghi nhận mức doanh thu đạt 405,3 tỷ đồng, năm 2018 là 454 tỷ đồng, năm 2019 là 408,6 tỷ đồng và năm 2020 đạt 320 tỷ đồng.
Về lợi nhuận, năm 2016, Đại Nam báo lỗ 50,8 tỷ đồng; năm 2017 tiếp tục báo lỗ 105 tỷ đồng; năm 2018 báo lỗ 38,1 tỷ đồng; năm 2019, Đại Nam tiếp tục báo lỗ 154 tỷ đồng; năm 2020, doanh nghiệp này vẫn lỗ 148,5 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 năm, Đại Nam lỗ 500 tỷ đồng.
Được biết, ngoài CTCP Đại Nam, bà Nguyễn Phương Hằng còn tham gia cùng chồng tại nhiều doanh nghiệp khác.
Bà Hằng là cổ đông sáng lập nắm giữ 20%, tương phần vốn góp cổ phần tại Công ty Glove Đại Nam. Doanh nghiệp này thành lập vào tháng 9/2020 với ngành nghề chính là sản xuất găng tay, vốn điều lệ 180 tỷ đồng, do ông Dũng "lò vôi" làm Chủ tịch. Bản thân ông Dũng sở hữu 30% cổ phần Glove Đại Nam.
Vợ chồng ông Dũng bà Hằng cũng đồng sáng lập Công ty Cổ phần Xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh cuối năm 2018 với vốn điều lệ 99 tỷ đồng. Mỗi người sở hữu 15% cổ phần doanh nghiệp.
Thế chấp 309 sổ đỏ dự án
Năm 2021, CTCP Đại Nam đã thế chấp 309 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) dự án Khu nhà ở Đại Nam (phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương.
Nội dung này được thể hiện rõ trong văn bản số 318/VPĐKĐĐ&CGCN ngày 2/2/2021 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc cung cấp danh sách chủ đầu tư đã thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Trước đó, tháng 10/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cũng đã công khai danh sách 29 sổ đỏ dự án Khu nhà ở Đại Nam đang được CTCP Đại Nam thế chấp tại tại Eximbank - Chi nhánh Bình Dương theo hồ sơ số 2629 - 2630.
Được biết, Dự án Khu nhà ở Đại Nam có quy mô 105,8 ha, có tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, do Công ty Đại nam làm chủ đầu tư. Với vị trí đắc địa nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Dương cho khoảng 20.000 người.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, thời điểm vừa bắt đầu thực hiện thi công dự án, Công ty Đại Nam bị Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không phép. Đến nay, sau nhiều năm triển khai, dự án vẫn trong tình trạng "vườn không nhà trống".
Trước đó, năm 2013, ông Dũng "lò vôi" từng tuyên bố thưởng 100 tỷ đồng cho bất cứ ai chứng minh ông có đi vay nợ khi Đại Nam dính tin đồn nợ nần 2.000 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài dự án Khu nhà ở Đại Nam, một dự án khác mang tên Khu dân cư Đại Nam của Đại Nam tại mặt tiền đường quốc lộ 13 (thị Trấn Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cũng rơi vào cảnh "đắp chiếu" nhiều năm do không có người ở.
Dự án có quy mô 96,7ha (2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường PTTH), dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Phước cho khoảng 12.000 người.