Công viên hơn nghìn tỷ bỏ hoang gần 3 thập kỷ: Gần 100ha ngổn ngang đất cát 'ngủ quên' giữa lòng Thủ đô, bao phủ bởi cỏ dại um tùm
Sau gần 30 năm được phê duyệt, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai và hiện chỉ là một bãi đất trống ngổn ngang đất cát, quây tôn kín mít.
Dự án Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (gọi tắt là Dự án Công viên Hà Đông), nằm trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng (quận Hà Đông), được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch từ năm 1998 với tổng diện tích khoảng 98ha và tổng mức đầu tư hơn 1.251 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau gần 30 năm, dự án vẫn chưa được triển khai, hiện trạng là một bãi đất trống, quây tôn kín mít, bên trong ngổn ngang vật liệu xây dựng, cỏ dại mọc um tùm.

Tháng 11/2023, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỷ lệ 1/500, với hy vọng tái sinh dự án này.
Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2024 đến 2027, bao gồm các hạng mục như hồ điều hòa, đảo với diện tích mặt thoáng trên 35ha và 19 khu vực khác nhau phục vụ các hoạt động văn hóa, giải trí và thể thao.

Tuy nhiên, hiện tại, khu vực dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, nhếch nhác, ngổn ngang đất cát và vật liệu từ các công trình cũ bị tháo dỡ.
Trước đây, một số đơn vị đã thuê mặt bằng của dự án này để làm nhà hàng, khu dịch vụ và nhà kho. Sau đó, quận Hà Đông đã yêu cầu các đơn vị thuê mặt bằng phải di dời khỏi dự án và đến nay vật liệu xây dựng các công trình này vẫn trong tình trạng ngổn ngang.

Việc để dự án công viên Hà Đông bị bỏ hoang không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai mà còn làm xấu cảnh quan đô thị. Trong bối cảnh Hà Nội đang thiếu không gian công cộng, việc khơi thông các dự án bị "đắp chiếu" như thế này là cần thiết để nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Dự án công viên Hà Đông là một ví dụ điển hình cho sự trì trệ trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, tránh tình trạng lãng phí kéo dài gây ra nhiều bất cập.

Với quy mô gần 100 ha, dự án công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông được kỳ vọng sẽ trở thành công viên công lập lớn nhất Hà Nội khi hoàn thành. Diện tích dự kiến của công viên gần gấp đôi công viên Thống Nhất (khoảng 50ha) và chỉ đứng sau công viên Yên Sở (323ha) – công viên lớn nhất Thủ đô hiện nay do tư nhân xây dựng.
Giữa bối cảnh Hà Nội đang thiếu trầm trọng không gian công cộng, đặc biệt là tại các khu vực đô thị hóa nhanh như Hà Đông, việc đưa những dự án như công viên Hà Đông vào hoạt động không chỉ là lời hứa với người dân mà còn là bước đi chiến lược nhằm tái thiết chất lượng sống đô thị.
Hơn bao giờ hết, Thủ đô Hà Nội cần một cơ chế mạnh mẽ và rõ ràng để "đánh thức" các công trình nghìn tỷ đang bị lãng phí, biến những khoảng đất bỏ hoang thành những không gian xanh thực thụ – đúng như kỳ vọng ban đầu khi bản quy hoạch được vẽ ra.
Tại cuộc họp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc, chiều 15/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu đáng chú ý.
Theo đó, Tổng Bí thư nhận định "Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực.
Tổng Bí thư đã dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí.
Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.
"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền", Tổng Bí thư chia sẻ, báo Dân trí dẫn lời.