Chỉ 3 tháng nữa, Việt Nam sẽ có cây cầu hơn 15.000 tỷ bắc qua dòng sông biểu tượng của Thủ đô
Dự án đầu tư xây dựng cây cầu với tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ dự kiến sẽ được khởi công vào 19/8 tới đây, đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2025-2030.
Thông tin trên báo Hà Nội Mới cho biết, Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài 5,6km. Cầu có điểm đầu từ ngã 5 Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm) và điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận (quận Long Biên).
Theo dự kiến, cây cầu sẽ được khởi công vào dịp 19/8/2025. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội giai đoạn 2025-2030, nguồn vốn từ ngân sách của TP.

Ước tính, tổng diện tích để nhằm phục vụ triển khai dự án khoảng 75,5ha thuộc 3 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên và Hai Bà Trưng.
Cầu Trần Hưng đạo được xây dựng nhằm mục tiêu kết nối khu vực trung tâm của TP với khu vực phía Đông; tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời tạo điểm nhấn cho TP.

Theo thiết kế, cầu được xây dựng vĩnh cửu với quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Dự án được triển khai theo 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và dự án thành phần 2 gồm đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường dẫn hai đầu cầu; đầu tư xây dựng tuyến đường từ nút giao Cổ Linh đến điểm cuối dự án tại phố Vũ Đức Thận (quận Long Biên).

Cầu Trần Hưng Đạo sẽ đi qua khu vực Thạch Cầu (quận Long Biên). Khu vực này ít nhà dân giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng.
Sau khi hoàn thành, cây cầu được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm tải áp lực cho các cầu hiện hữu như Chương Dương, Vĩnh Tuy..., đồng thời từng bước hoàn thiện chung quy hoạch của Thủ đô.

Trước đó theo như phương án đạt giải nhất cuộc thi kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, mỗi chiều cầu sẽ có 2 làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Các khoảng không sẽ được bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm, theo báo VnExpress.

Phần đường dành cho người đi bộ sẽ nằm ở ngoài vành vòm. Cả 2 phía đầu cầu sẽ có đường lên xuống dành cho người đi bộ.
Phần trụ cầu Trần Hưng đạo sẽ có các đài vọng cảnh nhằm phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân, tạo điểm nhấn kết cấu. Hai phần của đầu cầu sẽ có công viên phục vụ người dân vui chơi và giải trí.
Sông Hồng có chiều dài hơn 1.100km, khởi nguồn từ vùng Vân Nam (Trung Quốc), chảy qua địa phận các tỉnh phía Bắc Việt Nam trước khi hòa vào biển Đông, là dòng chảy gắn bó mật thiết với lịch sử, văn hóa và đời sống người Hà Nội suốt hàng ngàn năm.
Từ thời vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long năm 1010, sông Hồng đã là yếu tố quyết định lựa chọn vị trí kinh đô vì thuận lợi về giao thương, phòng thủ và phát triển nông nghiệp.
Trong tâm thức người Hà Nội, sông Hồng không chỉ là trục giao thông huyết mạch, mà còn là biểu tượng của sự sống, của hồn thiêng sông núi, nơi chứng kiến bao biến thiên lịch sử và sự hình thành văn hiến Thăng Long – Hà Nội.
Từ bãi đá sông Hồng, bến Nhật Tân cho tới cầu Long Biên - chứng tích thời Pháp thuộc, dòng sông đỏ nặng phù sa này vẫn luôn hiện diện như một phần không thể tách rời trong bản sắc đô thị và ký ức tập thể của người dân Thủ đô.