CSGT có những quyền hạn và nhiệm vụ này từ năm 2025
Thông tư 69/2024/TT-BCA của Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của CSGT, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Những công cụ hỗ trợ cho CSGT từ 2025
Điều 6 Thông tư 69/2024/TT-BCA quy định trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông như sau:
Ngoài trang phục, trang thiết bị, phương tiện quy định cho CSGT, cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được trang bị:
Còi, gậy chỉ huy giao thông, găng tay trắng, áo phản quang, đèn pin, áo mưa CSGT và ủng đi mưa.
Xe mô tô, khóa số tám, súng ngắn, bao súng, bộ đàm cầm tay, dây micro bộ đàm, micro bộ đàm, gậy điện, loa pin cầm tay và hộp sơn đánh dấu hiện trường.
Thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định an toàn và được Bộ Công an trang cấp hoặc cho phép sử dụng.
Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo quy định của Bộ Công an.
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và Bộ Công an. Vị trí đeo vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông thực hiện quy định.

Việc trang bị bục điều khiển giao thông và ô che mưa, che nắng tại các nút giao thông như sau:
Bục điều khiển giao thông có hình lăng trụ tròn hoặc lục lăng, được sơn màu trắng, có mũi tên dẫn hướng màu xanh ở giữa các mặt xung quanh thân bục.
Ô che mưa, che nắng làm bằng chất liệu vải màu vàng có in logo CSGT và chữ “CSGT”; chất liệu khung, chân đế phải bảo đảm chắc chắn, dễ di chuyển, tháo lắp, sửa chữa và thay thế.
Việc quy định cụ thể kích thước, hình dáng và trang bị bục điều khiển giao thông, ô che mưa, che nắng do Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định bảo đảm phù hợp với tổ chức, hạ tầng giao thông, an toàn cho Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Quyền hạn và nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông
Quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được quy định như sau:
- Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự.
- Trong phạm vi, địa bàn được phân công nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
- Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thông tư số 69/2024/TT-BCA cũng quy định các nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông như sau:
- Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kế hoạch hoặc phương án của trưởng Phòng Hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh; trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông, địa bàn được phân công theo quy định.
- Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, phối hợp tổ chức cấp cứu người bị nạn và giải quyết tai nạn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
- Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự để kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
- Đối với Cảnh sát chỉ huy giao thông ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định phải có trách nhiệm thu thập, phân tích, đánh giá các yếu tố có liên quan để đưa ra giải pháp điều hành hoạt động giao thông đường bộ bảo đảm trật tự, an toàn, thông suốt.