Cứ 100 người Việt thì 6 người sở hữu ô tô, tỷ lệ tăng trưởng đang dẫn đầu thế giới
Thị trường Việt Nam còn dư địa rất lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương), tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam năm 2023 là 63 chiếc trên 1.000 người dân tương ứng với tỷ lệ 6%.
Trước đó, Tổ chức các nhà sản xuất phương tiện cơ giới quốc tế (OICA) đã xếp hạng các quốc gia dựa trên số lượng phương tiện đăng ký sử dụng trên 1.000 người, bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại tính đến năm 2020. Bảng xếp hạng cho thấy, Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng sở hữu ô tô nhanh nhất thế giới, từ năm 2015-2020, tỷ lệ cơ giới hóa tăng tới 17% mỗi năm.
Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương vừa đưa ra dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo này đề ra mục tiêu tăng trưởng bình quân thị trường ô tô từ 14 - 16%/năm, với tổng lượng xe tiêu thụ dự kiến đạt khoảng 1-1,1 triệu chiếc vào năm 2030. Trong đó, số lượng xe điện, xe hybrid và xe sử dụng năng lượng mặt trời dự kiến đạt khoảng 350.000 chiếc, phản ánh xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Sản lượng xe lắp ráp và sản xuất trong nước cũng được kỳ vọng tăng trưởng 18 - 20%/năm, với mục tiêu sản lượng đạt 600.000-700.000 chiếc vào năm 2030. Đến năm 2045, thị trường ô tô Việt Nam dự kiến tiêu thụ từ 5 - 5,7 triệu xe, trong đó xe điện và xe sử dụng năng lượng xanh sẽ chiếm tới 80 - 85% tổng lượng xe.
Thống kê của OICA về tỷ lệ sở hữu ô tô của các nước |
>> Grab đang mất thị phần vào các hãng xe Việt
Ngoài mục tiêu phát triển thị trường nội địa, Việt Nam cũng đặt ra kế hoạch phát triển xuất khẩu ô tô, linh kiện và phụ tùng ô tô. Theo đó, vào năm 2030, giá trị xuất khẩu từ ngành công nghiệp ô tô dự kiến đạt 14 tỷ USD, và sẽ tăng lên 36 tỷ USD vào năm 2045. Việt Nam dự định sẽ sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số và động cơ, với khả năng cung ứng 55 - 60% (tính theo giá trị) các linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô của khu vực và thế giới, với tỷ lệ cung ứng đáp ứng trên 80 - 85% nhu cầu về linh kiện và phụ tùng trong nước.
Sản lượng sản xuất hàng năm của toàn ngành ô tô Việt Nam hiện đạt khoảng 460.000 xe. Trong năm 2023, lượng tiêu thụ xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 302.000 chiếc, trong khi lượng xe nhập khẩu đạt 118.000 chiếc. Trong đó, xe con chiếm trung bình 200.000 chiếc, còn xe tải và xe khách chiếm khoảng 215.000 chiếc.
Dựa trên những thống kê và dự báo này, các chuyên gia trong ngành nhận định rằng với GDP bình quân đầu người đã vượt mốc 4.000 USD, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Điều này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho thị trường ô tô trong nước, mà còn khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn ô tô quốc tế.
Hiện tại, nhiều tập đoàn ô tô đa quốc gia như Toyota, Honda, Ford, Mercedes-Benz, và cả các hãng xe từ Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ sở sản xuất và lắp ráp chi tiết ô tô. Điều này phản ánh sự kỳ vọng của các nhà sản xuất lớn vào tiềm năng phát triển của thị trường ô tô Việt Nam trong dài hạn.
Ngoài ra, Việt Nam còn được coi là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư nhờ vị trí địa lý thuận lợi ở trung tâm khu vực Đông Nam Á. Vị trí này giúp Việt Nam dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN, từ đó giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô.
Tập đoàn Thành Công 'chốt' thời gian vận hành nhà máy ô tô công suất lớn đầu tiên tại Quảng Ninh
Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao công nghệ ô tô hàng đầu Trung Quốc