Cục trưởng Cục Quản lý giá: Không minh bạch giá điện, tăng 4,8% cũng chưa chắc cứu được khoản lỗ 18.000 tỷ
Tăng giá điện là cần thiết để đảm bảo cung ứng năng lượng, nhưng chỉ hợp lý khi giá được tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch. EVN hiện vẫn đang áp dụng biểu giá không phản ánh đúng chi phí sản xuất, điều này làm méo mó tín hiệu thị trường", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Từ ngày 10/5/2025, giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng thêm 4,8%, nâng mức giá lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần tăng thứ hai kể từ năm 2023, đưa tổng mức tăng trong vòng ba năm qua vượt 17%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lý giải, chi phí đầu vào leo thang, đặc biệt là khi thủy điện giảm gần 7 tỷ kWh, là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực điều chỉnh giá.
Dù EVN cho rằng đợt điều chỉnh giá lần này chỉ gây ảnh hưởng không đáng kể đến chỉ số CPI và đời sống người dân, nhưng trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài và chi phí đầu vào không ngừng tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn không giấu được sự lo lắng.
![]() |
Giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 4,8% từ ngày 10/5, nâng tổng mức tăng trong ba năm qua lên hơn 17%, khiến không ít doanh nghiệp lao đao giữa lúc đơn hàng sụt giảm và chi phí đầu vào leo thang. |
>>> TS. Cấn Văn Lực: Nếu Mỹ áp thuế 25%, xuất khẩu giảm 7,5 tỷ USD nhưng GDP Việt Nam vẫn sẽ tăng 7%
Ông Phạm Văn Việt, TGĐ Công ty Việt Thắng Jean, chia sẻ: “Ngành dệt may vốn tiêu thụ điện lớn, nên giá điện tăng sẽ trực tiếp đẩy chi phí sản phẩm lên, giảm sức cạnh tranh hàng Việt trên thị trường quốc tế”.
Trong ngành cơ khí, một doanh nghiệp tại TP.HCM cho biết họ phải trả khoảng 400–500 triệu đồng mỗi tháng tiền điện. Mức tăng 4,8% khiến chi phí đội thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng, giữa lúc đơn hàng sụt giảm.
“Chúng tôi bị kẹp giữa chi phí tăng và hợp đồng đã ký trước. Không thể điều chỉnh giá bán ngay, nên phải gồng lỗ”, ông Việt trần tình.
Tương tự, một doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL tiết lộ chi phí điện mỗi tháng gần 2 tỷ đồng. Việc tăng 4,8% nghĩa là mỗi tháng họ phải gánh thêm khoảng 96 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí phụ trợ đi kèm như bảo trì hệ thống lạnh, vận hành dây chuyền.
Tuy nhiên, điều gây tranh cãi không chỉ nằm ở con số, mà ở chỗ: giá tăng nhưng hiệu quả sử dụng vốn, công khai tài chính và tính minh bạch của ngành điện vẫn là ẩn số.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chi phí sản xuất điện năm 2023 lên tới hơn 528.600 tỷ đồng, tương đương 2.088,9 đồng/kWh. EVN hiện vẫn mang khoản lỗ tỷ giá chưa xử lý hơn 18.000 tỷ đồng, và hàng chục nghìn tỷ lỗ lũy kế từ các năm trước. Việc tăng giá lần này được kỳ vọng sẽ giảm áp lực tài chính, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chỉ tăng giá, mà không minh bạch chi phí và cải cách thị trường điện, thì vẫn là chữa cháy tạm thời.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng việc tăng giá điện là tất yếu khi đầu vào leo thang, song vấn đề cốt lõi là EVN chưa minh bạch cơ cấu chi phí, chưa có báo cáo rõ ràng về hiệu quả hoạt động, đặc biệt là khoản lỗ tỷ giá kéo dài qua nhiều năm. Người tiêu dùng cần biết họ đang trả tiền cho cái gì, bao nhiêu phần trong giá điện là chi phí thật, bao nhiêu là do yếu kém trong vận hành.
“Tăng giá điện là cần thiết để đảm bảo cung ứng năng lượng, nhưng chỉ hợp lý khi giá được tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch. EVN hiện vẫn đang áp dụng biểu giá không phản ánh đúng chi phí sản xuất, điều này làm méo mó tín hiệu thị trường", ông Thoả nói.
Ông Thỏa cũng chỉ ra rằng khoản lỗ 18.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá là hệ quả quản trị tài chính yếu kém nhiều năm, không thể tiếp tục bắt người tiêu dùng “cõng hộ” thông qua giá điện tăng dần.
"Nếu không cải cách gốc rễ, việc tăng giá lần này dù là 4,8% hay 10%, cũng không đủ để cứu những khoản lỗ đã âm sâu trong nhiều năm qua", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Giá điện tăng từ 10/5, người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền?
EVN tăng giá điện mở khóa thị trường nghìn tỷ: Cổ phiếu năng lượng nào sẵn sàng bùng nổ?