Với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được nâng cấp, đèo Hải Vân trở thành cung đường du lịch đối với du khách trong nước và quốc tế.
Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Việt Nam có địa hình đa dạng, núi đồi hiểm trở là một trong những điều kiện giúp đất nước có con đèo hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng. Trong đó, đèo Hải Vân được đánh giá là một trong những cung đường đèo đẹp nhất thế giới với vẻ đẹp tráng lệ, kỳ vĩ, thách thức nhiều người đam mê khám phá.
Ít ai biết đèo Hải Vân trước đây có tên là đèo Ải Vân do có cửa ải nằm trên đỉnh đèo. Sau này đèo được đổi tên thành đèo Mây vì nằm khuất trong chân mây. Nằm dọc theo chiều dài của núi Hải Vân, là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố Huế 80km, các thành phố Đà Nẵng 20km, đèo Hải Vân có chiều dài khoảng 20km, cao 500m so với mực nước biển.
Đèo Hải Vân là một trong những cung đường đèo ven biển đẹp nhất thế giới, là kiệt tác của mẹ thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam. Như Lê Quý Đôn có viết: "Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam".
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi chinh chiến, khi tới đèo Hải Vân, ấn tượng và xúc động trước cảnh quan nơi đây, vua đã tức cảnh làm thơ và đặt tên nơi này là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan".
Nói về sự hùng vĩ của đèo Hải Vân, Ngô Thì Chí đã viết: “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tảng đá trập trùng khó vịn, cây cối sum suê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như tuôn nước từ lưng chừng trời đổ xuống”.
Thời Pháp thuộc, đèo Hải Vân rất nhỏ hẹp, hiểm trở, hay có thú dữ và cướp bóc nên Pháp đã cho xây dựng đường sắt chạy dọc chiều dài đèo. Ngày nay, đường hầm đèo Hải Vân được hoàn thành nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông Bắc Nam. Với vẻ đẹp kỳ vĩ thơ mộng cùng sự hiểm trở, cung đường đèo Hải Vân trở thành một trong những cái tên được nhiều tín đồ du lịch mong muốn được khám phá, chinh phục. Đèo Hải Vân với những đoạn đường uốn lượn theo triền núi nhưng một dải lụa vắt ngang chân mây, mang đến cho người xem cảm giác như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Lên đỉnh đèo Hải Vân vào những ngày nắng đẹp có thể nhìn bao quát phía Bắc là cảnh đồi núi trập trùng mây trắng bay lững lờ, xa xa là đầm Lập An, làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Nhìn về phía Nam, du khách thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa - Bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm... và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.
Chạy dọc đường đèo, biển xanh bao la ngút ngàn, sóng vỗ rì rào như kể chuyện. Ở những đoạn đèo thích hợp, du khách có thể đứng trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn ngoèo, gấp khúc vô cùng ngoạn mục.
Cung đường "Kết nối di sản miền Trung"
Mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức khai trương chuyến tàu du lịch "Kết nối di sản miền Trung" đi từ Huế - Đà Nẵng và ngược lại.
Theo lịch trình, hàng ngày sẽ có 2 đôi tàu mang số hiệu HĐ1/2 và HĐ3/4 giữa Huế - Đà Nẵng hoạt động với hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch. Mỗi chuyến đi có thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng đồng hồ như một kỳ nghỉ ngắn, mang đến cho du khách nhiều cảm xúc.
Trên hành trình, các tàu sẽ dừng đỗ tại ga Lăng Cô 10 phút để du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp, check-in, chụp ảnh vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Thời gian đầu, mỗi lượt đi sẽ có giá 150 nghìn đồng/vé, giá vé tháng là 900 nghìn đồng/vé... Mỗi tàu sẽ có 5 toa ghế mềm điều hòa và 1 toa xe sinh hoạt cộng đồng có giao lưu văn hóa giải trí, ẩm thực địa phương.
Chuyến tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” mong muốn sẽ thúc đẩy du lịch địa phương hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
>>Hệ thống giếng cổ 5.000 năm tuổi không cạn nước của Việt Nam, là di sản ‘có một không hai’