Cung tiền và cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán

07-06-2022 10:53|Minh Hiếu

Thông tin từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, sau gần 5 tháng, mới có 22.000 tỷ đồng được giải ngân - chiếm rất nhỏ so với gói 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua.

Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá gần 350.000 tỷ đồng trong đó bao gồm các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế phí, đầu tư phát triển, chính sách tiền tệ như tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất vay.

Trước thông tin này, các chuyên gia kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, thông tin từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, sau gần 5 tháng được thông qua mới có 22.000 tỷ đồng được giải ngân.

Tại Talkshow Phố Tài chính, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đánh giá, việc tốc độ giải ngân gói trên chậm đã phần nào ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, dù không có gói kích thích này, nền kinh tế vẫn đang phục hồi đáng kể.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng muốn phục hồi phải phụ thuộc vào nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu có thêm gói kích thích và được triển khai sớm, đặc biệt gói hạ tầng và đầu tư công, sự phục hồi của nền kinh tế có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Về yếu tố dòng tiền rẻ trên thị trường chứng khoán, ông Hiển cho rằng rõ ràng xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu đang diễn ra. Lãi suất của Việt Nam chưa tăng, thậm chí còn có gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tuy nhiên, năm 2009, sau gói hỗ trợ lãi suất thì lạm phát tăng lên mức cao.

Với bài học trong quá khứ, gói hỗ trợ lần này sẽ được diễn ra với sự kiểm soát chặt chẽ hơn để đưa vốn vào đúng các đối tượng.

Ông Khánh cho biết ở quý II có một số sự kiện như hoạt động cho vay (đặc biệt là bất động sản) được siết lại, dẫn đến các dòng vốn rẻ, đầu tư dàn trải được hạn chế. Thực tế lãi suất huy động của các NHTM đang tăng. Dù lãi suất tăng khá nhẹ nhưng tiền đắt lên, khiến giải ngân giai đoạn mới sẽ khó khăn hơn dù kinh tế thực sự rất tốt.

Ông Hiển kỳ vọng các gói kích thích sẽ được triển khai mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm cũng như năm 2023 và tác động đến nền kinh tế sẽ được nhìn thấy vào cuối năm.

Đối với thị trường chứng khoán, sau nhịp điều chỉnh mạnh trên 20%, mức hấp dẫn của nhiều cổ phiếu đã quay trở lại, tuy nhiên, cơ hội cần được chắt lọc hơn.

Ông Hiển khuyên nhà đầu tư giai đoạn hiện tại nên cẩn trọng trong việc ra quyết định. Trong một ngành cũng sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu. Cần theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vấn đề tăng lãi suất của Fed, lạm phát ở bên ngoài… để có thể hạn chế được các rủi ro phát sinh. Các nhóm ngành như cảng biển, thủy sản, ngân hàng,… có thể được xem xét ở giai đoạn hiện tại.

Trong khi đó, ông Khánh đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở giai đoạn rẻ. Nhà đầu tư cần hướng đến các ngành có khả năng tăng trưởng, xuất khẩu tốt và nên tập trung các cổ phiếu vốn hóa trung bình.

Chuyên gia Phố Tài chính: Bắt kịp xu hướng công nghệ mở ra triển vọng đầu tư khả quan năm 2024

Chuyên gia chứng khoán: Hệ thống KRX thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường

Động lực tăng của các nhóm cổ phiếu 1 tháng qua đến từ đâu?

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cung-tien-va-co-hoi-dau-tu-tren-thi-truong-chung-khoan-129643.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cung tiền và cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS & INTECH