Hiện quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD trong khi quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD.
Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc CTCK MB (MBS) đã có những chia sẻ về câu chuyện nâng hạng thị trường của chứng khoán Việt Nam.
Với quan điểm của người làm nghề chứng khoán, ông Hà cho rằng: "Chúng ta sẽ có thể nâng hạng được sau hơn 2 năm nữa. Quy mô thị trường sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với mức độ thanh khoản như hiện nay. Sau khi nâng hạng chúng ta sẽ đứng trong Top đầu, ít nhất là trong ba nước đứng đầu của ASEAN.
Theo tôi, câu chuyện nâng hạng thị trường là một câu chuyện tất yếu và sẽ xảy ra trong thì tương lai. Trong ngắn hạn, chúng ta nhìn thấy sức khỏe của nền kinh tế đã tốt hơn so với giai đoạn 10 năm và 5 năm trước đây.
Về triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 này cao hơn ít nhất khoảng 18% so với năm 2021. Do đó về mặt thị trường trong ngắn hạn, kể cả thời gian nâng hạng kéo dài, tôi cho rằng thị trường vẫn tốt và rất nhiều cơ hội đầu tư".
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FiinGroup, nâng hạng thị trường là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán về dài hạn.
Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD.
Như vậy, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets), Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường. Chỉ cần 1% số này thì thị trường đã có 68 tỷ USD.
Thêm vào đó, thông thường dòng tiền sẽ vào thị trường trước khi công bố nâng hạng, giống như các thực trạng đã diễn ra ở Pakistan, ở Ả Rập Xê Út hay Kuwait.
Ngoài ra, việc nâng hạng không chỉ phục vụ nhà đầu tư nước ngoài, mà chúng ta còn phục vụ chính 5,2 triệu tài khoản nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam, để phục vụ chính thị trường nội địa này và nhu cầu vốn đầu tư cũng còn rất nhiều.
Nếu nhìn vào Qatar, Pakistan có thể thấy mặt bằng định giá sau khi nâng hạng thường gấp rưỡi hoặc gấp đôi, kể cả về mặt chỉ số lẫn thanh khoản lẫn valuation, tức là tính theo P/E. Dù vậy, cũng còn tùy thuộc vào câu chuyện của Việt Nam.
Ông Thuân nhấn mạnh, hiện tại quy mô vốn hóa thị chứng khoán Việt Nam không thua kém gì so với các nước trong khu vực ASEAN mà còn có có thể nằm trong phân hạng thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của MSCI.
"Nếu xét về chất lượng thị trường cũng không kém về số lượng doanh nghiệp và rất nhiều các tiêu chí khác về quy mô. Việc nâng hạng giống như việc chúng ta đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể một cách thoải mái phân bổ tiền vào. Dù có một số điểm cần phải cải thiện nhưng về cơ bản do ý chí của chúng ta nhiều hơn và với sự chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm thực hiện được mục tiêu nâng hạng thị trường", vị chuyên gia đánh giá.
Sau cùng, ông Thuân khẳng định không phải tất cả đều có lợi khi nâng hạ. Ví dụ, để nâng hạng, các tổ chức như MSCI sẽ yêu cầu việc tự do hối đoái, tỷ giá dịch chuyển vốn thì mình sẽ chấp nhận đến đâu? Những dòng vốn mà nhanh vào thì nó cũng gây xáo trộn cho thị trường tiền tệ, thị trường tỷ giá.
Chuyên gia Phố Tài chính: Bắt kịp xu hướng công nghệ mở ra triển vọng đầu tư khả quan năm 2024
Chuyên gia chứng khoán: Hệ thống KRX thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường