Cuộc sống ở xã được ví như 'ma trận' nơi cửa biển: Diện tích nhỏ nhất Việt Nam nhưng mật độ dân số lại cao gấp 17 lần thủ đô Hà Nội
Đây là vùng đất chật người đông, ngàn đời gắn với biển cả, ngư dân luôn thầm cảm ơn biển đã nuôi sống họ.
Xã Ngư Lộc còn có tên gọi khác là Diêm Phố - một trong 5 xã ven biển thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Do biển xâm thực, diện tích đất không tăng lên mà ngày càng thu hẹp trong khi dân số không ngừng tăng khiến Ngư Lộc trở thành xã có mật độ dân số đông nhất Việt Nam.
Lâu nay, Ngư Lộc vốn đã nổi tiếng không chỉ ở Thanh Hóa mà còn khắp cả nước với nhiều “cái nhất”: Là một xã không có đất canh tác nông nghiệp, diện tích đất của toàn xã nhỏ nhất chỉ với 0,46km2, mật độ dân số cao nhất với hơn 41.000 người/km2; dân số hơn 19.000 người (tính đến cuối năm 2022).
Trong khi đó, mật độ dân số tại Hà Nội là 2.398 người/km2, TP HCM là 4.375 người/km2 (theo thống kê dân số đầu năm 2023). Như vậy, mật độ dân số ở Ngư Lộc cao gấp gần 17 lần so với Hà Nội và hơn 9 lần so với TP HCM. Dân số đông, diện tích đất ở hẹp, nhìn từ trên cao xã Ngư Lộc giống như một thành phố thu nhỏ với những căn nhà mọc lên san sát giống như một "ma trận" ở vùng đất cửa biển.
Tuyến đê tránh lũ nối liền 5 xã vùng biển huyện Hậu Lộc là con đường rộng rãi nhất ở xã Ngư Lộc. Mỗi buổi sớm hay chiều tối, đây là nơi người dân tập trung ra hóng gió biển vào những ngày hè nóng bức. Đây cũng là nơi buôn bán hải sản tấp nập nhất ở địa phương.
Trước đây, tỷ lệ dân số ở Ngư Lộc tăng rất cao nhưng những năm gần đây, nhờ công tác kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ dân số tuy có tăng nhưng ở mức thấp. Trung bình một năm, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1% (số trẻ em sinh ra trung bình hàng năm gần 300 trẻ, số lượng người tử vong từ 70-80).
Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện nay, xã Ngư Lộc có 350 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt hải sản với gần 2.000 hộ làm ngư nghiệp, chiếm hơn 50% dân số toàn xã.
Tổng diện tích của xã chỉ 0,93km2 nhưng đất ở chỉ có 0,46km2, còn lại là đất bãi bồi và diện tích đảo Hòn Nẹ. Vì diện tích nhỏ hẹp nên nhiều năm qua, xã Ngư Lộc nghiên cứu phương án lấn biển mở rộng địa giới hành chính. Khi thực hiện được điều này, chính quyền địa phương sẽ quy hoạch khu vực nuôi trồng hải sản (dòng nhuyễn thể); đồng thời lập cầu cảng, đưa tàu du lịch vào hoạt động để phục vụ du khách tham quan đảo Hòn Nẹ, hoạt động du lịch biển...
Dân cư đông đúc nên mỗi lúc tàu thuyền cập bến thì làng biển lại trở nên nhộn nhịp, tấp nập người mua, người bán. Mức thu nhập bình quân đầu người ở Ngư Lộc hiện tại cũng đã đạt gần 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đang còn khoảng 9%; hộ cận nghèo khoảng 14%.
Trước khi chuyển hẳn sang nghề biển, Ngư Lộc là làng hỗn canh, nhưng sau này do sự biến động của tự nhiên khiến cho đất sản xuất của làng bị xâm thực và nhiễm mặn đã không cho phép người dân nơi đây trồng trọt, làm nghề muối, nuôi trồng như các xã ven biển lân cận.
Bên cạnh đó điều kiện tự nhiên lại ưu đãi cho người dân nơi đây nghề đánh bắt và khai thác hải sản. Không những thế, Ngư Lộc còn có một ngư trường rộng lớn và phong phú về các loài hải sản, ngư dân luôn thầm cảm ơn biển đã nuôi sống họ. Nhưng để có những chuyến trở về với cá nặng lưới đầy, người dân không ít lần đã phải chịu đựng những nỗi đau khủng khiếp khi biển nổi sóng giận dữ, sẵn sàng cướp đi bao sinh mạng và tài sản của ngư dân...
Bao năm qua, người dân Ngư Lộc luôn phải gồng mình chống chọi với thiên tai, với những trận cuồng phong của biển cả. Nhưng sau mỗi lần như thế, họ lại trở nên cứng cỏi, vững vàng hơn. Khó khăn là vậy, khổ đau là vậy nhưng những “hòn vọng phu” của biển không gục ngã trước khó khăn.