Đà Nẵng: Gần 300 tiểu thương Chợ Siêu thị lao đao vì tiền thuê mặt bằng tăng cao
Gần 300 tiểu thương kinh doanh tại Chợ Siêu thị Đà Nẵng đang gặp khó khăn vì tiền thuê mặt bằng cao gấp đôi so với chợ truyền thống.
Chi phí thuê mặt bằng Chợ Siêu thị gấp đôi so với chợ truyền thống
Đại diện tiểu thương Chợ Siêu thị Đà Nẵng cho biết, từ năm 2001, khoảng 500 tiểu thương các chợ truyền thống thuộc Công ty quản lý chợ Đà Nẵng được Thành phố vận động di dời về khu B-Chợ Siêu thị Bài Thơ (cũ).Đến năm 2009 toàn bộ khu vực Chợ Siêu thị Bài Thơ được giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án trung tâm thương mại. Năm 2011, các tiểu thương ở chợ khu B được di dời sang Chợ Siêu thị Đà Nẵng hiện nay (Khu D) do doanh nghiệp đầu tư, khai thác để thuê mặt bằng kinh doanh.
Đến nay, còn khoảng gần 300 tiểu thương đang thuê mặt bằng kinh doanh tại Chợ Siêu thị Đà Nẵng do Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng đầu tư khai thác.
Thời gian gần đây, các tiểu thương tại Chợ Siêu thị Đà Nẵng phản ánh việc chủ đầu tư tăng giá thuê mặt bằng quá cao, khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, từ năm 2020 đến hết năm 2022, mức giá mặt bằng ở tầng trệt tăng 60%. Từ đầu năm 2023, mức giá tiếp tục tăng 40%.
Đại diện tiểu thương cho biết: "Ví dụ đối với mặt hàng hương đèn tôi đang kinh doanh, hiện chi phí thuê mặt bằng là 198.000 đồng/m2, gấp khoảng 2 lần so với với hộ kinh doanh mặt hàng tương tự tại chợ Cồn- chợ trung tâm sầm uất nhất tại Đà Nẵng. Như vậy, trong vòng 3 năm, trong đó có 2 năm dịch bệnh COVID-19, chi phí chúng tôi phải chịu đã tăng lên gấp đôi.
Theo thông báo từ Công ty TNHH MTV Chợ Siêu thị Đà Nẵng, công ty sẽ truy thu phần tiền giá thuê mặt bằng tăng thêm từ tháng 6 đến hết tháng 9/2023, nếu tiểu thương không nộp sẽ tiến hành cắt điện, về lâu dài sẽ mời ra khỏi chợ".
"Trong khi đó, thời điểm trong và sau dịch, lượng khách ít, hàng hóa ế ẩm, tại khu tầng 1 cả ngày không có tới 10 người khách. Tình hình kinh doanh khó khăn cộng thêm chi phí tăng cao khiến tiểu thương quá lao đao. Nhiều hộ kinh doanh muốn sang nhượng lại nhưng cũng không có ai hỏi", một tiểu thương khác bày tỏ.
Các tiểu thương Chợ Siêu thị mong muốn ít nhất Công ty giữ nguyên giá mặt bằng những năm 2020-2022. Đồng thời, đề xuất Thành phố áp giá trần và giá sàn đối với chi phí thuê mặt bằng tại Chợ Siêu thị trong thời hạn ít nhất 5 năm, giá trần không được vượt quá giá mặt bằng từ năm 2022 trở về trước.
Doanh nghiệp nguy cơ phá sản, giải thể chợ
Theo ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chợ Siêu Thị Đà Nẵng, lý do tăng giá tiền sử dụng diện tích bán hàng tại Chợ Siêu thị là để bù đắp chi phí thuê đất hằng năm tăng theo đơn giá của thành phố Đà Nẵng.
Nếu như chu kỳ 2014-2019, tiền thuê đất của dự án hơn 580 triệu đồng/năm,thì đến chu kỳ từ năm 2020-2024, tiền thuê đất tăng lên hơn 2,122 tỷ đồng/năm (tăng hơn 360%).
Chu kỳ 2014-2019, UBND Thành phố đã có chủ trương trong việc hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho bà con tiểu thương thông qua việc hỗ trợ tiền thuê đất, tổng mức hỗ trợ là hơn 1,1 tỷ đồng. Còn chu kỳ này, đơn vị chưa nhận được sự hỗ trợ trên.
Công ty đã nhiều lần làm công văn gửi UBND Thành phố và các sở, ngành đề nghị quan tâm hỗ trợ tiền thuê đất như chu kỳ 2014-2019 là hơn 1,1 tỷ đồng/năm cho chu kỳ từ năm 2020 về sau. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại Công ty chưa nhận được sự phản hồi nào về việc có hỗ trợ tiền thuê đất như chu kỳ trước nữa hay không.
"Với số tiền thuê đất nêu trên, Công ty buộc lòng phải tăng thu để bù đắp các khoản chi phí duy trì hoạt động. Nếu không thu đủ, Công ty sẽ không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động vì khả năng sẽ bị nợ quá hạn các khoản như BHXH, bị cưỡng chế thuế...", đại diện Công ty cho hay.
"Công ty đã đề xuất lên Sở Tài chính đơn giá tối đa là 681.000 đồng/m2/tháng, tuy nhiên đơn giá tối đa trong dự thảo mà Sở Tài chính trình UBND Thành phố là 393.0000 đồng/m2/tháng. Với đơn giá của Sở Tài chính, chỉ bù đắp được 52% tiền thuê đất và công ty phải bù thêm 48%.
Công ty kiến nghị các sở, ngành, UBND Thành phố quan tâm thực hiện chương trình hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tiền thuê đất cho Công ty ít nhất 20 năm kể từ ngày được thuê đất để hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho bà con tiểu thương.
Nếu UBND Thành phố không hỗ trợ như trước đây, Công ty đề xuất xin chuyển mục đích sử dụng đất từ "đất chợ" sang "đất thương mại dịch vụ" để Công ty chủ động kinh doanh nhằm bù đắp các khoản chi phi tăng cao này", phía Công ty cho biết.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng cho biết, mức giá qua thẩm định phải hài hòa giữa doanh nghiệp đầu tư chợ và tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh. Mức giá thẩm định 393.000 đồng/m2/tháng vẫn cao gấp đôi so với chợ truyền thống, phía doanh nghiệp lại cho rằng mức giá này không đảm bảo hoạt động, chủ yếu do chợ hiện mới khai thác được khoảng 60% công suất.
Cũng theo ông Phụng, từ ngày 1/7/2024, Luật Giá sẽ có hiệu lực, với tất cả các chợ có vốn đầu tư ngoài ngân sách, việc quyết định giá thuê mặt bằng kinh doanh do doanh nghiệp quyết định, Nhà nước không can thiệp vấn đề giá dịch vụ thuê mặt bằng chợ nữa.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, phía chủ đầu tư cho biết họ chỉ đồng ý mức giá 393.000 đồng/m2/tháng với điều kiện Thành phố hỗ trợ cho công ty tiền thuê đất khoảng 1,1 tỷ đồng/năm. Nếu không thể hỗ trợ tiền thuê đất mà vẫn phê duyệt mức giá 393.000 đồng/m2/tháng thì sẽ cho dừng hoạt động của công ty và tuyên bố phá sản.
Hiện UBND TP. Đà Nẵng đang có kế hoạch làm việc với chủ đầu tư và các tiểu thương để giải quyết hài hòa 2 bên.
Giám đốc Công an Đà Nẵng kể trường hợp thiếu niên gây 32 vụ trộm trong 2 năm
Hướng xử lý 3 dự án ôm đất vàng 'treo' hơn thập kỷ giữa trung tâm Đà Nẵng