Đặc sản Bình Định “cất cánh” nhờ bén duyên với sàn thương mại điện tử

07-11-2023 11:34|PV

Xuất phát từ một cơ sở sản xuất bánh tráng truyền thống của gia đình, anh Nguyễn Hữu Vinh đã nối nghiệp và phát triển đưa đặc sản Bình Định ra thị trường thế giới nhờ sàn thương mại điện tử.

Rộng đường xuất khẩu

Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất bánh tráng truyền thống Sachi Nguyễn (phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn, Bình Định) hào hứng cho biết, hiện nay sản phẩm bánh tráng Sachi không chỉ tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước mà còn được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. 

ocop binh dinh 2.jpg
Sản phẩm bánh tráng nước dừa Sachi đánh dấu bước chuyển mình khi được đưa lên sàn thương mại điện tử.

“Tôi đang mở rộng nhà máy sản xuất bánh tráng mới với quy mô 3ha. Nhà máy khi vận hành hết công suất sẽ cho ra 7 tấn sản phẩm/ngày, doanh thu ước chừng 6 tỷ đồng. Năm 2024, Sachi sẽ liên kết với hội nông dân thị xã triển khai 500 ha vùng nguyên liệu lúa gạo, mè để xây dựng quy trình hợp chuẩn, đáp ứng nguồn cung cho nhà máy”, anh Vinh nói. 

Anh Vinh kể, tiền thân của Sachi là cơ sở sản xuất bánh tráng Sáu Chín với 30 năm trong nghề. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, bố mẹ anh không chú trọng quảng bá sản phẩm. Sản phẩm làm ra hầu hết là do khách hàng tự tìm đến mua và phân phối trên địa bàn tỉnh là chính. 

Năm 2013, cha anh gặp vấn đề về sức khoẻ, từ chàng kỹ sư công nghệ, anh rời thành phố về quê tiếp quản phát triển cơ sở sản xuất của gia đình.

Đến năm 2017, anh thành lập công ty, lấy thương hiệu là Sachi (tên viết tắt của cơ sở Sáu Chín). Năm 2019, anh bắt đầu tư dây chuyền sản xuất quy mô lớn, đổi mới hình ảnh sản phẩm. Khi sản phẩm ổn định, đạt chất lượng OCOP 4 sao, anh Vinh tìm cách mở rộng kênh phân phối tại hệ thống siêu thị, đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, chợ online.

Theo anh Vinh, sản phẩm bánh tráng nước dừa của gia đình anh đánh dấu bước chuyển mình khi được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Cụ thể vào năm 2021, khi anh đưa bánh tráng lên sàn thương mại điện tử Alibaba, ngay lập tức một đối tác Đài Loan đã liên hệ, đề nghị ký kết hợp tác lâu dài.

“Khởi đầu” suôn sẻ, từ đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang Đài Loan vào năm 2021, đến nay bánh tráng Sachi đã có mặt tại nhiều nước khác như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Newzeland….Một số đối tác Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã đặt vấn đề để hợp tác để xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường này.

Ngoài kênh siêu thị, xuất khẩu là chủ lực, hiện tại kênh bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Postmart… chiếm gần 15% doanh số của công ty. Ngoài ra, Sachi cũng lập kênh TikTok để bán hàng.

“Doanh số bán hàng qua kênh thương mại điện tử đang trên đà tăng trưởng rất tốt. Hiện tại khách hàng mới của công ty chủ yếu qua kênh này. Thương mại điện tử là kênh phát triển thương hiệu cực kỳ tốt. Nó cũng là kênh hiệu quả để mình có thể lắng nghe ý kiến, phản hồi trực tiếp từ khách hàng”, anh Vinh cho hay.

100% sản phẩm OCOP Bình Định lên sàn

Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định cho biết, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 217 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao…

ocop binh dinh.jpeg
Hiện tại, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử VNPost

Chương trình OCOP đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất; sản phẩm tham gia chương trình không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu…

Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Định đã được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử VNPost; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Quy Nhơn và một số địa phương; phát hành cẩm nang giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định.

Để xây dựng một môi trường OCOP toàn diện, mục tiêu của tỉnh Bình Định là đến năm 2025 sẽ tiếp tục củng cố, chuẩn hoá, hoàn thiện và phát triển 217 sản phẩm OCOP đã được công nhận giai đoạn 2018-2022. Trong đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển thương hiệu, phân phối, tiếp thị sản phẩm OCOP; 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được xúc tiến đưa lên quảng bá, tiêu thụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hình thành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, đánh giá, phân hạng sản phẩm, quản lý, giám sát Chương trình OCOP của tỉnh.

Diệu Thuỳ

Vừa bị ngăn hoạt động ở Việt Nam, Temu nhận thêm cú sốc lớn ở quê nhà

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dac-san-binh-dinh-cat-canh-nho-ben-duyen-voi-san-thuong-mai-dien-tu-2211881.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đặc sản Bình Định “cất cánh” nhờ bén duyên với sàn thương mại điện tử
    POWERED BY ONECMS & INTECH