Đặc sản xứ Nghệ đầu mùa, thương lái mua giá cao gấp 2 lần

21-02-2024 19:46|Quốc Huy

Bất ngờ trước nhu cầu của các thương lái mua giá cao gấp 2 lần so với mọi năm, bà con ở “thủ phủ” trồng hành tăm huyện Nghi lộc, Nghệ An đang tích cực bám đồng, thu hoạch đến đâu bán gọn đến đó.

Trồng 3 sào hành tăm, bà Hồ Thị Thìn (xã Nghi Thuận) đang tích cực thu hoạch đầu vụ. Giá hành củ năm nay tăng gấp đôi, có thời điểm hàng hiếm thương lái thu mua cao gần gấp 3 lần ngày thường. 

Bà Thìn cho biết, gần Tết Nguyên đán, đỉnh điểm hành tăm được bán cho thương lái với giá 100.000 đồng/kg, sau đó xuống dần 70.000 đồng/kg và hiện ở mức 50.000 đồng/kg. Vụ này gia đình bà thu hoạch đạt sản lượng khoảng 1,5 tấn, ước tính thu về hơn 70 triệu đồng. 

W-hanh-tam-2-2.jpg
Người dân phấn khởi vì thu hoạch hành tăm đầu mùa được giá, cao gấp đôi so với năm ngoái.

“Hành tăm là loại cây cho giá trị kinh tế cao nhưng đòi hỏi phải chăm sóc kỹ lưỡng. Chúng tôi trồng từ giữa tháng 6 âm lịch và sau hơn 2 tháng có thể thu hoạch. Đến tháng Giêng, tháng hai năm sau, bà con có thể thu hoạch củ hành tăm” - bà Thìn chia sẻ. 

Giá hành tăm đầu vụ thường cao hơn những ngày thường, bởi củ hành chắc, già, bắt đầu rũ lá. Người dân thường thu hoạch sớm để nhập cho thương lái. 

W-hanh-tam-1-3.jpg
Hành đầu vụ được giá, dễ tiêu thụ nên Bà Hồ Thị Thìn tranh thủ thu hoạch.

Còn ở xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc), người dân cũng đang tranh thủ thu hoạch hành củ khi thời tiết nắng ấm, thuận lợi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng có 2 sào hành tăm trồng trên đất ruộng. “Trồng hành chi phí không quá cao nhưng thu hoạch mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chịu khó. Buổi sáng vợ chồng tôi phải ra đồng sớm để thu hoạch tránh nắng. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi đào được khoảng 25kg hành củ, thu về hơn 1 triệu đồng”, ông Hùng phấn khởi nói.

Theo ông Hùng, ngoài hành củ, có những thời điểm nhu cầu thị trường hành lá giá cao, dao động 25.000-30.000 đồng/kg, người dân dành diện tích để tỉa bán, tăng thêm thu nhập. So với năm ngoái, năm nay hành tăm được giá, một số bà con thu hoạch sớm trước 2 tuần so với chính vụ. 

W-hanh-tam-3-3.jpg
Giá hành đầu vụ tăng cao, hiện đang ở mức 50.000 đồng/kg.

Giá hành đầu vụ tăng cao là do chưa rộ thu hoạch. Ở các vùng trồng hành chuyên canh, chỉ khoảng 20-25% diện tích cho thu hoạch. Nguồn cung chưa nhiều, trong khi nhu cầu người dân tăng nên giá đẩy lên cao. Theo các thương lái, giá hành đầu vụ năm nay cao nhưng chính vụ sẽ giảm.

>> 'Hô biến' cây dại mọc đầy đường thành bonsai giá tiền triệu, đắt khách dịp Tết

“Tính trung bình mỗi ngày tôi thu mua từ 300-500kg hành củ. Tùy nhu cầu tiêu thụ, có ngày chúng tôi thu mua ít, có ngày mua nhiều. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được khoảng hơn 2 tấn. Số hành này chuyển đến chợ đầu mối ở Nghệ An, Đô Lương, Hà Tĩnh và Đà Nẵng” - ông Hoàng Văn Yên, một thương lái chuyên thu mua hành ở Nghi Lộc cho hay. 

W-hanh-tam-4-3.jpg
Ông Hoàng Văn Yên là thương lái chuyên thu mua hành ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An cho biết, giá hành tăm đầu mùa đang tăng cao, dễ tiêu thụ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Thuận (huyện Nghi Lộc) Lê Thi Hiền thông tin, hành tăm là một trong những cây trồng đem lại hiệu qua kinh tế cao. Toàn xã có diện tích 95ha trồng hành tăm, năng suất trung bình khoảng 500kg̣/ha.

Thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu hành tăm theo tiêu chuẩn VietGgap. Ngoài tra, người dân còn trồng xen canh cây ngô, rau cải,… để có thêm thu nhập. 

Trước đây, người dân các xã Nghi Thuận, Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) trồng lúa hoặc các loại rau màu khác, hiệu quả kinh tế rất thấp. Trước chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ mạnh dạn chuyển sang đầu tư trồng hành tăm. 

Hành tăm dần trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập khá cho người dân, cao hơn nhiều lần so với lúa, lạc. 

Kim Chi

>> Chiêm ngưỡng ‘cụ’ măng cụt gần 100 tuổi ở xứ Tiên

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dac-san-xu-nghe-dau-mua-thuong-lai-mua-gia-cao-gap-2-lan-2251347.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Đặc sản xứ Nghệ đầu mùa, thương lái mua giá cao gấp 2 lần
POWERED BY ONECMS & INTECH