Đại gia kín tiếng đất Ninh Bình đón tin vui ngay sau khi khởi công tổ hợp thép gần 100.000 tỷ đồng
Quyết định áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc được kỳ vọng mở ra dư địa phát triển cho các doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát (HPG), Formosa và sắp tới là Tập đoàn Xuân Thiện.
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) Trung Quốc. Đây được xem là bước đi mang tính quyết định nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Theo quyết định này, thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế chống bán phá giá dao động từ 23,1% đến 27,83%. Mức thuế có hiệu lực từ ngày 6/7/2025 và được áp dụng trong thời hạn 5 năm, trừ khi được điều chỉnh, gia hạn hoặc bãi bỏ theo quy định của pháp luật.
Hiện Việt Nam chỉ có hai nhà sản xuất lớn trong lĩnh vực thép cuộn cán nóng là Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa Hà Tĩnh. Sau khi cho ra lò lô HRC đầu tiên vào tháng 5/2020, Hòa Phát đã nâng công suất lên khoảng 3 triệu tấn mỗi năm. Đáng chú ý, khi toàn bộ dự án Dung Quất 2 đi vào vận hành, tổng năng lực sản xuất HRC của Tập đoàn này dự kiến đạt 9 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, Formosa Hà Tĩnh đang vận hành khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn tại Khu kinh tế Vũng Áng, với tổng vốn đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD. Nhà máy có công suất thiết kế 7,1 triệu tấn thép thô mỗi năm, đã sản xuất lượng lớn HRC - nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành xây dựng, cơ khí, công nghiệp chế tạo, tôn mạ và ống thép.
![]() |
Bộ Công Thương chính thức áp thuế chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc |
Đáng chú ý, vào ngày 23/6/2025, Tập đoàn Xuân Thiện cũng đã khởi công tổ hợp Thép Xanh tại tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình), với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, dự án này dự kiến cung cấp khoảng 9,5 triệu tấn thép/năm, trong đó có đến 7,5 triệu tấn là thép cuộn cán nóng.
Với việc Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá HRC từ Trung Quốc trong vòng 5 năm, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt là Hòa Phát, Formosa và sắp tới là Xuân Thiện được kỳ vọng sẽ hưởng lợi đáng kể nhờ tăng khả năng cạnh tranh và chủ động nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu thép nội địa dự báo tiếp tục tăng nhờ loạt dự án đầu tư công trọng điểm như cao tốc, đường sắt và hạ tầng khu công nghiệp.
Tập đoàn Xuân Thiện được thành lập năm 2000, hoạt động đa ngành gồm vật liệu xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, bất động sản và năng lượng. Vốn điều lệ doanh nghiệp tại thời điểm đầu năm 2022 là 5.950 tỷ đồng trong đó, trong đó Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình góp vốn lớn nhất với hơn 3.643 tỷ (61,24% vốn); doanh nhân Nguyễn Văn Thiện góp 1.683 tỷ đồng, tương ứng 28,28% vốn.