Vì không thể giải quyết được tranh chấp liên quan đến khoản đầu tư của Foxconn, nhà sản xuất xe hơi Lordstown Motors đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 27/3/2023.
Trước khi nộp đơn phá sản, cổ phiếu của Lordstown giảm 35.6%. Đồng thời họ cũng không quên tiến hành các hành động pháp lý chống lại Foxconn.
Trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án, Lordstown, startup ra mắt năm 2018 tại Mỹ, cáo buộc công ty điện tử Foxconn (Đài Loan) có hành vi lừa đảo và thất hứa vì không tuân thủ thỏa thuận đầu tư 170 triệu USD vào Lordstown.
Trong tổng số tiền 170 triệu USD, thì Foxconn đã đầu tư được 52,7 triệu USD và nắm giữ gần 8.4% cổ phần. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Lordstown cho rằng Foxconn đang muốn trì hoãn việc mua thêm cổ phần như đã hứa, nhận định rằng công ty Đài Loan lừa dối trong kế hoạch hợp tác phát triển.
Về phía Foxconn, họ khẳng định Lordstown mới là bên vi phạm thỏa thuận đầu tư khi để cổ phiếu xuống dưới mức 1 USD. Foxconn có tên chính thức là Hon Hai Precision Industry, nổi tiếng với việc lắp ráp iPhone cho Apple. Họ chưa đưa ra bình luận về động thái đi kiện của Lordstown, nhưng chắc chắn điều này sẽ khiến Foxconn càng kỹ lưỡng hơn trong tham vọng xe điện và trong quá trình hợp tác với các công ty xe hơi khác.
Trong đơn kiện của mình, Lordstown miêu tả Foxconn liên tục thay đổi mục tiêu trong quá trình hợp tác, không đáp ứng cam kết tài trợ như ban đầu và không tham gia các sáng kiến cùng Lordstown.
Trước đó vào đầu tháng 6, trong hồ sơ gửi đến cơ quan quản lý, Lordstown đã đính kèm kế hoạch khởi kiện Foxconn sau khi nhận được một bức thư cho thấy nguy cơ Foxconn “xù kèo” đầu tư. Lordstown gọi đây là mô hình thiếu thiện chí, gây nên tổn hại vật chất không thể khắc phục được. Thậm chí trong tháng 5, Lordstown còn cảnh báo họ có thể buộc phải phá sản nếu Foxconn không đầu tư.
Sản phẩm chính của Lordstown là xe bán tải điện Endurance. Nơi sản xuất Endurance là một nhà máy xe hơi nhỏ trước đây thuộc sở hữu của General Motors ở Lordstown, Ohio. Năm 2022, Lordstown bán nhà máy cho Foxconn. Lordstown tạm dừng sản xuất Endurance vào đầu năm nay và bắt đầu sản xuất lại vào tháng 4 nhưng với công suất thấp. Kể từ tháng 2, cổ phiếu của họ rơi tự do, mức giao dịch gần đây chỉ là dưới 3 USD.
Nếu Lordstown không tìm được bên đồng ý chịu hỗ trợ bắt đầu lại toàn bộ quy trình sản xuất Endurance, thì họ vẫn là một miếng bánh hấp dẫn với những nhà sản xuất xe hơi nước ngoài đang muốn tìm đường nhanh chóng, thuận tiện để chế tạo xe ngay tại Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ Mỹ cố gắng loại bỏ xe chạy xăng.
Vụ phá sản của Lordstown không phải vụ đầu tiên trong số các startup xe điện đã lên sàn nhờ SPAC. Nhưng Lordstown gây chú ý, vì đây là cái tên tiêu biểu.
Như đã nói ở trên, nhà máy Lordstown ở Ohio trước đây là của GM. GM quyết định đóng cửa nhà máy vào 11/2018. Tuy nhiên tổng thống Mỹ lúc đó, tức ông Donald Trump, cùng các nhà lãnh đạo chính trị khác của Ohio gây áp lực buộc CEO Mary Barra của GM phải đảo ngược quyết định, hoặc bán cho người khác. Cuối cùng, GM đồng ý bán nhà máy cho một thực thể mới thành lập có tên Lordstown Motors.
Tháng 10/2020, Lordstown lên sàn nhờ vụ sáp nhập ngược với DiamondPeak Holdings. SPAC cũng là con đường giúp nhiều startup xe điện khác lên sàn trong khoảng thời gian này.
Mặc dù lên sàn, nhưng giống như một số đơn vị sản xuất xe khác, Lordstown cũng phải vật lộn để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư. Năm 2021, CEO kiêm nhà sáng lập Stephen Burns phải từ chức sau khi thừa nhận họ phóng đại số lượng đặt trước các dòng xe điện của mình. Giám đốc tài chính của Lordstown cũng từ chức vào thời điểm đó.
Trong thời gian Lordstown còn phải vật lộn với các cuộc điều tra từ cơ quan có thẩm quyền trong suốt năm 2021 và 2022, thì Ford Motors đã kịp tung ra mẫu xe điện bán tải F-150 Lightning, hoặc GM và Stellantis công bố kế hoạch sản xuất xe bán tải điện, hay startup đối thủ Rivian cũng ra mắt dòng bán tải điện hạng sang năm 2022.