Vĩ mô

Dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong công cuộc hội nhập quốc tế

Bình Giang 24/05/2025 - 15:07

Trong giai đoạn từ năm 1997 - 2006, Việt Nam trải qua thời kỳ phát triển mạnh mẽ và chuyển mình trên trường quốc tế. Giữa bối cảnh ấy, Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại dấu ấn sâu sắc với vai trò là người đứng đầu Nhà nước, có những đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong công cuộc hội nhập quốc tế ảnh 1
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton - Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Ảnh tư liệu

Định hình và phát triển đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới

Bộ Ngoại giao cho biết, ngay từ khi nhậm chức, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tích cực chỉ đạo và triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Những định hướng chiến lược này được tiếp nối và phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) và IX (2001), với mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một trong những bước tiến quan trọng về lý luận và thực tiễn thời kỳ này là việc phát triển phương châm từ “Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước” (Đại hội VII) thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội IX). Điều này thể hiện rõ tư duy đổi mới trong hoạch định chính sách đối ngoại, nhấn mạnh đến yếu tố hợp tác lâu dài, cùng có lợi và xây dựng lòng tin.

Đẩy mạnh hội nhập kinh tế và tạo dấu ấn trên các diễn đàn quốc tế

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trần Đức Lương, Việt Nam đã từng bước hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng và hiệu quả. Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị năm 2001 là một cột mốc quan trọng, xác định hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ thường xuyên của đối ngoại trong giai đoạn mới.

Một loạt sự kiện đối ngoại quan trọng đã diễn ra trong thời kỳ ông làm Chủ tịch nước, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều hội nghị thượng đỉnh tầm cỡ.

Năm 1997, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp, khởi đầu cho chuỗi sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Hà Nội.

Năm 1998, Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VII, chỉ ba năm sau khi gia nhập tổ chức này, thể hiện năng lực điều phối và vai trò chủ động của Việt Nam.

Năm 2004, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị ASEM 5, ghi nhận vai trò chủ động, sáng tạo của Việt Nam trong hợp tác Á – Âu.

Năm 1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), mở rộng quan hệ hợp tác khu vực và toàn cầu.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định quốc tế quan trọng như Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2000, hay đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) – kết quả là Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 vào tháng 11/2006. Đây là một trong những thành tựu hội nhập quan trọng bậc nhất, đánh dấu bước chuyển mình lớn của đất nước vào nền kinh tế toàn cầu.

Xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và giải quyết vấn đề biên giới

Trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng chú trọng nâng tầm quan hệ với nhiều đối tác chủ chốt. Quan hệ với Nga, Nhật Bản, Ấn Độ được nâng cấp lên Đối tác chiến lược, trong khi với nhiều nước khác được mở rộng lên tầm Đối tác toàn diện. Những bước đi này đã tạo nền tảng vững chắc cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó phải kể đến việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền với Trung Quốc (1999), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ (2000), góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và tạo nền tảng cho hợp tác lâu dài. Đặc biệt, việc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 là một dấu mốc có ý nghĩa chiến lược trong quản lý xung đột khu vực.

Chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Một trong những bước đổi mới đáng chú ý trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Trần Đức Lương là công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết 36 năm 2004 của Bộ Chính trị khóa IX đã thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng kiều bào ổn định cuộc sống, phát triển và gắn bó với quê hương. Đây là minh chứng cho chính sách nhân văn và toàn diện trong công tác đối ngoại của Việt Nam.

Trong suốt gần một thập kỷ trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã góp phần quan trọng vào việc nâng tầm vị thế quốc gia thông qua những bước đi chiến lược trong đối ngoại và hội nhập. Những thành tựu mà ông để lại không chỉ có giá trị lịch sử mà còn tiếp tục phát huy ảnh hưởng sâu rộng đến sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước trong giai đoạn sau này.

Ông là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của thời kỳ đổi mới, tận tụy với sự nghiệp chung và có tầm nhìn chiến lược về một Việt Nam hội nhập, độc lập và phát triển.

>> Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Đám cưới Việt Nam - Triều Tiên được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đích thân mở lời ‘xin dâu’: Chờ ba thập kỷ, vượt hơn 5.000km và cái kết viên mãn

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/dau-an-cua-nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-trong-cong-cuoc-hoi-nhap-quoc-te-post1745105.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong công cuộc hội nhập quốc tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH