Đầu cơ đẩy giá nhà cao phi thực tế, 2 bộ đồng tình đề xuất đánh thuế BĐS
Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời và được Bộ Tài chính đồng tình.
Thông tin được ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Xây dựng diễn ra hôm nay (17/10).
Đầu cơ đẩy giá nhà tăng cao phi thực tế
Đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Thống kê từ khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, Bộ Xây dựng cho biết, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5-6,5% trong quý II và 25% theo năm tùy từng khu vực.
Ông Dũng cho hay, vừa qua Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo trong đó phân tích về cơ cấu giá nhà, biến động giá nhà, đề xuất giải pháp ổn định thị trường. Phân tích về giá nhà cho thấy việc biến động tăng giá có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có biến động về chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí tiền sử dụng đất, nhân công...
Đáng chú ý, trong quý III, dù nguồn cung bất động sản đã được cải thiện khi các luật có hiệu lực nhưng vẫn còn hạn chế. Điều này cho thấy, hạn chế nguồn cung vẫn là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà biến động thời gian qua.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Xây dựng, giới đầu cơ, môi giới cũng có tác động kích giá, thổi giá gây nhiễu loạn thông tin thị trường để đẩy giá nhà.
Nhìn nhận từ thực tế giá nhà đất liên tục tăng cao tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết còn có nguyên nhân từ việc đầu cơ và tâm lý thị trường.
“Đầu cơ có thể làm giá nhà tăng cao phi thực tế. Đặc biệt khi kết hợp cùng với tâm lý mua nhà để chờ tăng giá. Đây là nguyên nhân khiến giá nhà tại Hà Nội bị đẩy lên cao thời gian qua”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất, quản lý kinh doanh bất động sản
Nêu lên giải pháp để ổn định thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
“Đề xuất này cũng được Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan đồng tình. Tuy nhiên cũng cần đánh giá toàn diện tác động của chính sách này đến các đối tượng bị ảnh hưởng. Cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện để có đánh giá tác động đầy đủ đến các đối tượng từ doanh nghiệp, người dân, bên bán, bên mua… Giải pháp là hướng tới hạn chế hành vi đầu cơ thổi giá nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam tránh tác động tiêu cực đến thị trường chung, ảnh hưởng đến giao dịch của người dân, doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, Bộ lưu ý, việc điều chỉnh bảng giá đất của các địa phương theo quy định của Luật Đất đai 2024 tránh các tác động tiêu cực đến thị trường đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, người dân.
Ngoài ra, Bộ cũng cho biết sẽ tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp, nhà đầu tư, sàn giao dịch, môi giới… tiến tới đưa các hoạt động giao dịch qua sàn có sự quản lý của Nhà nước nhằm cho hoạt động kinh doanh bất động sản công khai, minh bạch.
Bổ sung thêm vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh thêm các giải pháp để ổn định tâm lý cho người mua.
“Để đạt được mục tiêu bình ổn thị trường bất động sản để thị trường phát triển bền vững cần nhóm các giải pháp và phải được thực hiện một cách đồng bộ chính sách đất đai, nhà ở, tài khoá, đầu tư…”, Thứ trưởng cho biết.
>> Đáp ứng nhu cầu ở thực, chung cư TP. HCM thu hút dòng tiền đầu tư
Nhà đầu tư tìm cơ hội tại thị trường tỉnh khi giá nhà đất Hà Nội tăng nóng
Thí điểm mở rộng loại đất xây nhà ở thương mại giúp tăng nguồn cung, giảm giá nhà