Đẩy nhanh tiến độ, hai cao tốc nghìn tỷ do liên danh Đèo Cả thực hiện tại Lạng Sơn hướng đến thông tuyến trong năm nay
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, địa phương đặt mục tiêu hoàn thành các hạng mục cần thiết để phấn đấu thông tuyến hai dự án trong năm 2025, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, tại cuộc họp đánh giá tiến độ và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, đơn vị thi công.
Mục tiêu là dồn lực triển khai, hoàn thành các hạng mục cần thiết để phấn đấu thông tuyến hai dự án trong năm 2025, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, dự án nâng cấp Quốc lộ 4B và dự án đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp VSIP Lạng Sơn đều có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Đặc biệt, các dự án cao tốc luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
![Ảnh minh họa Ảnh minh họa](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-13-_cao-toc-1739418069702193455046.jpg)
Vì vậy, các địa phương và đơn vị liên quan cần chủ động tháo gỡ vướng mắc phát sinh, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Chủ đầu tư được yêu cầu tập trung huy động máy móc, nhân lực, tận dụng thời tiết thuận lợi để triển khai đồng loạt nhiều mũi thi công tại các khu vực đã bàn giao mặt bằng. Việc đảm bảo tiến độ và khối lượng thi công là yếu tố then chốt nhằm giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư, bởi hai dự án này chiếm tỷ lệ giải ngân rất lớn.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, quá trình triển khai cần tuân thủ chặt chẽ các thủ tục pháp lý theo quy định, tránh vi phạm trong thực hiện dự án.
Trên thực tế, cả hai dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn gặp những vướng mắc, chủ yếu liên quan đến công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và tổ chức tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Do đó, các huyện trong vùng dự án cần phối hợp với đơn vị quản lý điện, nước, viễn thông... để đẩy nhanh việc di dời hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi dự án. Song song đó, công tác bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng cần được triển khai hợp lý, cùng với việc vận động bà con bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, khởi công từ tháng 4/2024, hiện đã hoàn thành khoảng 44,78/59,87km mặt bằng và bố trí 39 mũi thi công. Tính đến nay, tổng giá trị thực hiện đạt khoảng 472/6.580 tỷ đồng.
Đối với dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, khởi công từ tháng 1/2024, huyện Văn Lãng đã bàn giao 23,3/24,8km mặt bằng (đạt hơn 94%), trong khi huyện Tràng Định bàn giao 22,53/27,13km (đạt trên 83%). Tổng giá trị thi công đã đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Được biết, dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài 59,87km, trong đó tuyến cao tốc chính dài khoảng 43,43km, tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 16,44km. Tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2026.
Dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thẩm quyền, Liên danh Công ty Xây dựng Đèo Cả - Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Xây dựng Công trình 568 - Công ty Lizen làm nhà đầu tư thực hiện.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 93,35km, điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, Cao Bằng). Đoạn qua tỉnh Lạng Sơn dài 51,8km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026.
Giai đoạn này do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - HHV - CTCP Xây dựng Công trình 568 thực hiện.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi có hệ thống giao thông thuận lợi với đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253km. Theo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lạng Sơn sẽ phát triển 24 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 1.158ha.
>> Huyện sẽ sở hữu tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam sắp triển khai 7 dự án nhà ở xã hội