Đề xuất mới nhất về dự án khôi phục cây cầu bị sập 50 năm trước, rút ngắn kết nối tới sân bay lớn nhất và cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam
UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho địa phương lựa chọn phương án 1, tức đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe nhằm sớm hình thành tuyến kết nối trực tiếp giữa Đồng Nai và Bình Phước thông qua cầu Mã Đà.
Ngày 2/4, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng cầu Mã Đà nhằm kết nối trực tiếp với tỉnh Bình Phước
Căn cứ vào thực trạng hạ tầng giao thông của hai địa phương, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Bình Phước thống nhất phương án kết nối như sau: từ TP. Đồng Xoài đi theo tuyến ĐT.753, qua cầu Mã Đà sang địa phận Đồng Nai, sau đó tiếp tục di chuyển qua các tuyến đường địa phương để kết nối với đường Vành đai 4 TP. HCM. Tổng chiều dài tuyến khoảng 76km.
Đây là phương án tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, tận dụng đường hiện hữu để kết nối trực tiếp các tỉnh Tây Nguyên - đặc biệt là Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, tạo trục liên thông đến sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Hiện trạng tuyến ĐT.753 dài khoảng 30km. Bình Phước đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ TP. Đồng Xoài đến đường Đồng Phú (Bình Dương) với chiều dài 13km, mặt đường rộng 19m, nền đường 22m. Đoạn còn lại dài khoảng 17km hiện là đường láng nhựa, mặt đường rộng 7m, nền đường 9m.
Phần tuyến thuộc địa phận Đồng Nai dài khoảng 46km. Trong đó, đoạn từ suối Mã Đà đến ngã ba đường vào Trung ương Cục miền Nam dài khoảng 5km là đường cấp phối sỏi đỏ, mặt đường trung bình khoảng 7m. Tiếp theo là đoạn từ ngã ba này đến ngã ba Bờ Hào (giao với đường ĐT.761) dài 8km, hiện trạng đường nhựa rộng 5m. Tuyến ĐT.761 dài khoảng 18km, có mặt đường bê tông nhựa rộng 6m, nền đường 9m.
>> Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam
Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vị trí cầu Mã Đà kết nối hai tỉnh và tuyến đường từ Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đến đường Vành đai 4 TP. HCM hiện chưa được cập nhật trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Về phương án hướng tuyến, tỉnh Đồng Nai đề xuất điểm đầu tại cầu Mã Đà, điểm cuối giao với đường Vành đai 4 TP. HCM, tổng chiều dài khoảng 44km.
Trong đó, đoạn đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai dài khoảng 27km, từ cầu Mã Đà đến ranh phía Nam của khu dự trữ sinh quyển, dự kiến bám theo tuyến đường hiện hữu. Riêng đoạn qua rừng tự nhiên dài 5km sẽ được xây dựng bằng cầu cạn nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đoạn tiếp theo dài khoảng 17km, từ ranh khu bảo tồn đến đường Vành đai 4, sẽ là tuyến mở mới theo hướng quy hoạch ĐT.768B, quy mô 8 làn xe. Tuyến này nằm song song và cách đường ĐT.767 khoảng 3,5km về phía Tây, nhằm giảm thiểu giải phóng mặt bằng và tái định cư, đồng thời tạo quỹ đất phát triển đô thị trong tương lai.

UBND tỉnh Đồng Nai đồng thời đề xuất hai phương án đầu tư cầu và đường kết nối.
Phương án 1 là đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, trong đó cầu Mã Đà có tổng mức đầu tư khoảng 220 tỷ đồng; tuyến đường kết nối từ cầu đến đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.000 tỷ đồng.
Việc thu hồi đất sẽ thực hiện theo hai mức: Đoạn đi qua rừng đặc dụng thu hồi theo quy mô 4 làn xe (khoảng 45ha), còn đoạn qua khu dân cư sẽ thu hồi một lần theo quy hoạch 8 làn xe. Dự án thuộc nhóm A, do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Ưu điểm của phương án này là chi phí giai đoạn đầu thấp, diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi dưới 50ha nên không phải trình Quốc hội, đồng thời phù hợp với quy mô 4 làn xe của đường Vành đai 4 giai đoạn 1. Việc phân kỳ đầu tư cũng thuận lợi, với giai đoạn 1 xây dựng một đơn nguyên cầu và đoạn cầu cạn dài 5km, giai đoạn 2 sẽ bổ sung đơn nguyên còn lại để hoàn thiện quy mô 8 làn xe.
Nhược điểm là khi triển khai mở rộng sẽ phải tác động đến môi trường rừng lần thứ hai.
Phương án 2 là đầu tư ngay theo quy mô quy hoạch 8 làn xe với tổng mức đầu tư cầu Mã Đà khoảng 390 tỷ đồng, tuyến đường kết nối có tổng mức đầu tư khoảng 17.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng vẫn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Việc thu hồi đất được thực hiện một lần theo quy mô 8 làn xe với diện tích đất rừng đặc dụng cần chuyển đổi khoảng 85,5ha. Dự án được xếp vào loại quan trọng quốc gia, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội.
Ưu điểm của phương án này là thi công một lần, hạn chế tác động môi trường rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối dài hạn giữa hai địa phương. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí đầu tư lớn, chưa đồng bộ với quy mô giai đoạn 1 của đường Vành đai 4 và cần trình Quốc hội phê duyệt, dẫn đến mất nhiều thời gian hơn trong thủ tục đầu tư.
Sau khi xem xét toàn diện, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho địa phương lựa chọn phương án 1, tức đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe nhằm sớm hình thành tuyến kết nối trực tiếp giữa Đồng Nai và Bình Phước thông qua cầu Mã Đà.
Trong quá khứ, từng tồn tại một cây cầu Mã Đà nối liền hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước nhưng đã bị đánh sập vào năm 1975.
Thị xã Phú Mỹ sở hữu sông Thị Vải với vùng nước mặt khá rộng, khoảng cách giữa các bờ sông có nơi hơn 1.000m, chiều sâu trung bình mực nước thấp nhất của mỗi đoạn sông từ 14-20m, nhiều khúc sông sâu từ 20-40m, hình thành lên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
>> Chuyển biến mới tại dự án đường sắt tốc độ cao hơn 100.000 tỷ do Vingroup (VIC) đề xuất đầu tư