Đền đôi tọa trên đỉnh núi hơn 2.300m dựng đứng là di sản thế giới của UNESCO, làm thế nào con người mang vật liệu lên được để xây dựng?
Đến nay, câu hỏi làm thế nào để xây được hai ngôi đền trên chóp đá cheo leo vẫn còn bỏ ngỏ.
Nằm trên đỉnh núi Phạm Tịnh Sơn (Fanjingshan), tỉnh Quý Châu, Trung Quốc là hai ngôi đền nhỏ được xây dựng trên đỉnh một chóp đá chẻ đôi. Ngọn núi này là một di sản thế giới của UNESCO, thuộc dãy núi Vũ Lăng, Trung Quốc. Chóp đá chẻ tự nhiên này có tên gọi là Hồng Vân Kim Đỉnh (nghĩa là đỉnh núi vàng mây đỏ).
Được xây dựng vào triều đại nhà Minh, hai ngôi đền đến nay vẫn lưu giữ nhiều mảnh kiến trúc nguyên vẹn. Trong khi đó, nhiều ngôi đền, chùa cùng thời đã bị phá hủy. Nơi đây dần trở thành điểm đến phổ biến cho những người theo đạo Phật và khách du lịch muốn chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục.
Hai ngôi đền nằm ở độ cao 2.336 m so với mực nước biển, bị ngăn cách bởi hẻm núi. Nếu muốn đi từ đền này sang đền bên kia, du khách phải đi qua cây cầu đá. Mất khoảng 4 tiếng đi bộ 8.888 bậc đá để lên đến nơi. Dọc đường đi có nhiều quán hàng bán đồ ăn nhanh phục vụ du khách. Ngoài ra, cũng có thể chọn cách đi cáp treo lên đến tảng đá Nấm nổi tiếng gần đó.
Ngôi đền nằm về phía nam thờ Phật Thích Ca Mâu Ni - tượng trưng cho hiện tại, ngôi đền còn lại ở phía bắc thờ Phật Di Lặc, đại diện cho tương lai. Điều khiến đền đôi nổi tiếng và trở thành điểm hành hương hút khách bậc nhất chính là bí mật về quá trình xây dựng. Đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép rõ ràng về cách vận chuyển vật liệu lên núi đá dựng đứng này.
Khi leo lên hàng nghìn bậc theo các vách đá, du khách có thể chiêm ngưỡng những dòng chữ cổ có từ triều nhà Minh - Thanh, chứng minh đây là điểm hành hương linh thiêng từ rất lâu. Hàng trăm triệu năm trước, núi Phạm Tịnh từ từ nhô lên khỏi đáy đại dương. Những cảnh quan tuyệt đẹp như vách đá dốc đứng, thung lũng sâu và thác nước hình thành từ 1 đến 1,4 tỷ năm trước còn tồn tại nguyên vẹn đến nay. Toàn bộ dãy núi Phạm Tịnh là một trong năm ngọn núi thiêng trong Phật giáo, được người dân Trung Quốc coi là bồ đề của Phật Di Lặc. Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy núi là nơi có nhiều chùa Phật giáo xây từ thời cổ đại. Tuy nhiên, phần lớn đều bị phá hủy trong thế kỷ 16, ngày nay còn lại ít nhất 50 ngôi chùa.
Bị cô lập trong nhiều năm, đỉnh núi Phạm Tịnh sở hữu hệ sinh vật đa dạng. Trên độ cao từ 500-2.570 m so với mực nước biển, nơi đây là môi trường sống của hơn 2.000 loài thực vật đặc hữu và hàng trăm động vật quý hiếm. Một số loài có mặt từ hàng triệu năm trước. Mặc dù trở nên nổi tiếng hơn khi được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 2018, nơi đây vẫn giữ mức cô lập nhất định nhằm đảm bảo sự tồn tại của hệ sinh thái khi lượng du khách gia tăng.