Đèo Cả hé lộ thông tin loạt dự án giao thông trị giá 80.000 tỷ trong thời gian tới
Đèo Cả đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng.
Ngày 26/6/2024, tại TP. HCM, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Ban điều hành Tập đoàn đã báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 với nhiều chỉ số tích cực và kế hoạch hoạt động năm 2024.
Năm 2023, Đèo Cả ghi nhận các chỉ số tích cực với doanh thu hợp nhất đạt 6.622 tỷ đồng, tăng 50,5% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu dịch vụ và xây lắp đạt 6.358 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 264 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỷ đồng.
Năm 2024, Đèo Cả đặt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.956 tỷ đồng, tăng 35,25% so với năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, tăng 14,17% so với cùng kỳ. Ngay trong quý I/2024, doanh thu đã đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 121,52% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 169 tỷ đồng, tăng trưởng 39,67% so với quý I/2023.
Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai thi công tại dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: Internet
Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cũng thông tin về hàng loạt dự án sẽ được đầu tư trong thời gian tới gồm: Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 80.000 tỷ đồng và dự án đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ, giá trị hơn 47.600 tỷ đồng.
Để đảm bảo hiệu quả thực hiện các dự án, Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực, tài chính và máy móc thiết bị, đồng thời áp dụng các công cụ quản trị điều hành, kiểm tra giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào quá trình quản trị điều hành dự án từ thi công đến quản lý vận hành.
Đèo Cả sử dụng mô hình PPP++ để đa dạng các nguồn vốn tham gia đầu tư các dự án nhằm tăng hiệu quả huy động vốn, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.