Di dời 180.000 người để xây dựng đập thủy điện có sức chứa gấp 1,3 lần thủy điện Hòa Bình, vốn đầu tư hơn 162.000 tỷ đồng
Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ hai tại Trung Quốc, chỉ đứng sau đập Tam Hiệp, đồng thời nằm trong danh sách những đập thủy điện có quy mô hàng đầu thế giới.
Đập thủy điện Khê Lạc Độ nằm trên sông Kim Sa – một nhánh chính của sông Dương Tử, thuộc địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây là một trong những công trình thủy điện quy mô lớn và có tầm ảnh hưởng hàng đầu của quốc gia này.
Với sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ hiện đại và quy mô thi công khổng lồ, dự án không chỉ tạo ra nguồn năng lượng tái tạo dồi dào mà còn góp phần kiểm soát thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, cải thiện hệ thống tưới tiêu và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng xung quanh.

Khởi công vào năm 2005, đập Khê Lạc Độ hoàn thiện và đi vào vận hành toàn diện vào tháng 6/2014. Công trình này sở hữu công suất lắp đặt lên đến 13,86 gigawatt (GW), cung cấp khoảng 57 tỷ kilowatt-giờ (kWh) điện mỗi năm – đáp ứng nhu cầu sử dụng của hàng triệu hộ dân.
Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ hai tại Trung Quốc, chỉ đứng sau đập Tam Hiệp, đồng thời nằm trong danh sách những đập thủy điện có quy mô hàng đầu thế giới.
Về thiết kế, đập được xây theo dạng vòm cong với chiều cao đạt 285,5m và chiều dài thân đập khoảng 700m. Hồ chứa của công trình có sức chứa lên tới 12,67 tỷ m3 nước - gấp khoảng 1,3 lần so với hồ Thủy điện Hòa Bình của Việt Nam (9,45 tỷ m3 nước).
Nhà máy được trang bị 18 tổ máy phát điện, mỗi tổ có công suất 770 megawatt (MW), góp phần nâng cao hiệu suất khai thác năng lượng từ dòng chảy tự nhiên.

Được biết, công trình này do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đảm nhiệm xây dựng. Trong quá trình thực hiện dự án, khoảng 180.000 cư dân khu vực phải di dời. Tổng mức đầu tư của dự án rơi vào khoảng 6,2 tỷ USD, tương đương hơn 162.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo an toàn kỹ thuật, công trình được lắp đặt các thiết bị hiện đại như cảm biến đo ứng suất, giãn kế thanh đa điểm giúp theo dõi liên tục trạng thái cấu trúc, nhiệt độ và độ ẩm của khối bê tông, giảm thiểu nguy cơ nứt gãy.
Ngoài ra, hệ thống giám sát thông minh còn cho phép quản lý từ xa, giúp kiểm soát và đánh giá tình trạng vận hành của đập một cách hiệu quả và kịp thời.