Vụ Vạn Thịnh Phát: Trách nhiệm của người đứng đầu thành phố ra sao? Cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán sẽ thế nào?
Sáng 6/5, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 3 TP. HCM có buổi tiếp xúc cử tri quận 5, 8, 11 trước thềm kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Vì sao Vạn Thịnh Phát "gom" được nhiều đất vàng?
Tại hội nghị, cử tri Đặng Văn Rành (quận 11) lên tiếng về thông tin liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát vừa được tuyên án. Theo ông Rành, thông tin từ vụ án cho thấy nhiều khoản tiền đã bị Trương Mỹ Lan chuyển ra nước ngoài, vậy có hay không tiền bị thất thoát ra nước ngoài và sẽ thu hồi ra sao?
Ngoài ra, ông Rành cũng nêu vấn đề, vì sao Vạn Thịnh Phát thu gom được nhiều đất vàng tại TP. HCM? Các sai phạm kéo dài, trách nhiệm của người đứng đầu thành phố ra sao? Cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán sẽ thế nào?
Trả lời cử tri, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao hé lộ, đại án Vạn Thịnh Phát mới chỉ đưa ra xét xử một vụ liên quan đến ngân hàng. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra thêm ít nhất 2 vụ án nữa, liên quan đến các dự án đầu tư ở các địa phương.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Sếp tổng' một công ty xăng dầu kháng án, không chấp nhận liên đới trả 443 tỷ
Trước đó, sau hơn 2 tuần tuyên án, nhiều bị cáo, bên liên quan đã có đơn kháng cáo, trong đó Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân không đồng tình với khoản tiền phải trả Trương Mỹ Lan như Quốc Cường Gia Lai (QCG)…, hoặc những khoản tiền phải liên đới chịu trách nhiệm trả hơn 443 tỷ đồng cho SCB như ông Nguyễn Thanh Tùng Tổng Giám đốc công ty Đông Phương.
Công ty T&H Hạ long và Công ty Âu Lạc thì đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên rõ, sau khi phía công ty thực hiện nghĩa vụ (trả lại Trương Mỹ Lan hơn 6.095 tỷ đồng) thì phải trả lại các tài sản bị kê biên cho công ty.
Loạt "đất vàng" TP HCM bị Vạn Thịnh Phát "thu gom"
Liên quan đến các khu “đất vàng” tại TP. HCM, trước đó bà Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên căn biệt thự cổ số 110-112 đường Võ Văn Tần (quận 3). Theo bà Lan, đây là tài sản do mẹ bà mua với giá 700 tỷ đồng, là biệt thực cổ gia đình muốn bảo tồn.
Tuy vậy HĐXX cho rằng căn biệt thự này đang thuộc sở hữu của công ty Minerva – công ty do các con cháu của Trương Mỹ Lan sở hữu, nên sẽ tiếp tục bị kê biên để đảm bảo cho nghĩa vụ bồi hoàn của bà Lan trong vụ án.
Một trong những khu đất vàng khác tại TP. HCM được nhắc tới trong vụ án Vạn Thịnh Phát là dự án Mũi Đèn Đỏ. Dự án tọa lạc tại quận 7 có quy mô 118ha thuộc sở hữu của Tập đoàn Peninsula – pháp nhân quan trọng trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Dự án được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 144.000 tỷ đồng. Dự án được “thổi giá” nhờ các chứng thư thẩm định giá. SCB dung 2 chứng thư thẩm định giá này để vay vốn, dư nợ gốc đến 17/10/2022 là 127.384 tỷ đồng. Công ty thầm định giá Hoàng Quân đánh giá tài sản này có giá trị 17.320 tỷ đồng.
Dự án Mũi Đèn Đỏ |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ tên Công ty thẩm định giá cho dự án Mũi Đèn Đỏ
Một lô đất đình đám liên quan vụ Vạn Thịnh Phát khác là số 100 Hùng Vương, phường 9, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Lô đất này từng là đất thuộc sở hữu Nhà nước, có diện tích lớn, rộng hơn 7.400m2, lại nằm ngay khu vực trung tâm quận 5 nên được xem như khu “đất vàng”.
Năm 2008, UBND thành phố Hồ Chí Minh giao cho Phòng tài chính - Kế hoạch quận 5 chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá thay vì giao Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản như đối với các tài sản khác. Giá khởi điểm 704 tỷ đồng.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bí ẩn lô đất số 100 Hùng Vương đang ‘gánh’ nợ hơn 100.000 tỷ đồng
Tuy nhiên việc đấu giá phát sinh vướng mắc do nhiều thủ tục chuẩn bị cho phiên đấu giá sai quy định, Bộ Tư pháp đã đề nghị UBND TP. HCM tạm ngừng việc đấu giá để rà soát lại. Lô đất sau đó được mang ra bán đấu giá trở lại từ năm 2009, khởi điểm 704 tỷ đồng nhưng mãi vẫn "ế".
Đến ngày 19/1/2011, giá khởi điểm hạ xuống còn 652 tỷ đồng. Sau 2 năm liên tiếp thất bại, phiên đấu giá lần này thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó CTCP Đầu tư An Đông đã trúng đấu giá với giá trúng thầu là 1.020 tỷ đồng.
Về tay An Đông thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, lô đất vàng vẫn không có dự án cụ thể nào được triển khai. Tuy vậy lô đất 100 Hùng Vương lại là đối tượng cho nhiều công ty định giá phát hành chứng thư để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan tại SCB.
Trước đó liên quan vụ án, HĐXX đã kiến nghị, trong giai đoạn 2, cơ quan Cảnh sát điều tra cần làm rõ trách nhiệm của các công ty kiểm toán; tiếp tục điều tra làm rõ dòng tiền 108.878 tỷ đồng và 14,77 triệu USD để có cơ sở thu hồi, khắc phục hậu quả; điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan hợp tác, giao kết, giao dịch.
>> Ông Mai Tiến Dũng bị bắt liên quan dự án Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí
Vụ Vạn Thịnh Phát: Giải toả gần 100 bất động sản liên quan đến Sacombank (STB), ‘chúa đảo Tuần Châu’
Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Sếp tổng' một công ty xăng dầu kháng án, không chấp nhận liên đới trả 443 tỷ