Vĩ mô

Điện mặt trời số phận 'mịt mù' vì chưa biết dự án nào sai phạm

Lương Bằng 14/12/2023 - 06:18

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa gồm danh mục các dự án điện mặt trời tập trung đã có chủ đầu tư. Lý do là các tỉnh không có cam kết chắc chắn về tình trạng sai phạm, hiệu quả đầu tư...

Lý do chưa có danh mục dự án điện mặt trời tập trung

Bộ Công Thương vừa gửi Chính phủ báo cáo thêm về các đề xuất tại dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Với nguồn điện mặt trời tập trung, báo cáo của Bộ Công Thương nêu lý do kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa xét tiến độ dự án cụ thể.

điện mặt trời điện gió.jpg
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhưng chưa gồm danh mục các dự án điện mặt trời tập trung đã có chủ đầu tư. Ảnh minh họa

Dẫn thông báo số 64 của Văn phòng Chính phủ hồi tháng 5, Bộ Công Thương cho biết Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo các dự án đã có quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được xem xét tiến độ khi lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhưng không hợp thức hóa sai phạm" và giá mua điện phải hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Thanh tra Chính phủ hồi tháng 4/2023 cũng đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện. Nhưng hiện Thủ tướng chưa có ý kiến chỉ đạo liên quan tới kết luận này.

Ngoài ra, tại Thông báo số 453 ngày 3/11/2023 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã giao các địa phương trong cả nước đề xuất cụ thể các danh mục dự án (kể cả các dự án chuyển tiếp) và chịu trách nhiệm về nội dung đề xuất.

Đối với các dự án chuyển tiếp (bao gồm cả điện mặt trời tập trung) không có sai phạm về các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, hiệu quả đầu tư thì cần rà soát, cập nhật để đưa vào Kế hoạch. Song việc này phải đảm bảo nguyên tắc không hợp thức hóa các sai phạm. Nếu có các sai phạm thì cần cá thể hóa trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật và chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, bản án (nếu có).

Thế nhưng, theo Bộ Công Thương, tất cả các tỉnh có văn bản trả lời về điện mặt trời tập trung không có cam kết chắc chắn về tình trạng sai phạm, thiếu thông tin về hiệu quả đầu tư dự án, giá mua điện, nên không có cơ sở cập nhật vào kế hoạch này.

Để xử lý, Bộ này kiến nghị Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII nhưng chưa gồm danh mục các dự án điện mặt trời tập trung đã có chủ đầu tư. Thủ tướng giao UBND các tỉnh có dự án cùng các cơ quan thẩm quyền rà soát, báo cáo Bộ Công Thương trong vòng 3 tháng, từ thời điểm kế hoạch được duyệt.

Bộ Công Thương cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh có dự án điện mặt trời tập trung đã có chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát theo các chỉ đạo của Chính phủ, báo cáo Bộ Công Thương trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII được phê duyệt, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

điện mặt trời điện gió.jpg
Nhiều địa phương vẫn dồn dập đăng ký điện tái tạo.

Địa phương rầm rộ đăng ký điện tái tạo

Thống kê số liệu từ 61 tỉnh, Bộ Công Thương cho biết danh mục nguồn năng lượng tái tạo đề xuất có số lượng dự án và quy mô công suất rất lớn.

Cụ thể, có 779 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 8.331 MW; 651 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 74.609 MW; 73 dự án điện sản xuất từ rác với tổng công suất 1.484 MW; 74 dự án điện sinh khối với tổng công suất 2.711 MW.

Theo cơ quan này, danh mục đề xuất nguồn năng lượng tái tạo của các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của Thông báo số 453/TB-VPCP và Công văn số 7704/BCT-ĐL.

Cụ thể: 15/61 tỉnh, thành phố không đề xuất danh mục dự án nguồn năng lượng tái tạo.

Trong 46/61 tỉnh, thành phố đã đề xuất danh mục nguồn năng lượng tái tạo, chỉ có 11 địa phương xây dựng danh mục dự án phù hợp với quy mô công suất nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ phân bổ cho từng tỉnh/thành phố.

"Hầu hết các tỉnh, thành phố đều đề xuất quy mô công suất lớn hơn nhiều so với quy mô công suất dự kiến phát triển", Bộ Công Thương lưu ý.

Cụ thể, công suất thủy điện nhỏ gấp 2 lần. Công suất điện gió trên bờ gấp 4,2 lần; công suất điện sản xuất từ rác gấp 1,3 lần; công suất điện sinh khối gấp 3,7 lần.

Ngoài ra, danh mục nguồn đề xuất của các tỉnh chưa đầy đủ thông tin, chưa đáp ứng các tiêu chí. Một số địa phương có ý kiến cần pháp lý hóa công suất tính toán cho địa phương để địa phương có cơ sở rà soát, đánh giá, lập danh mục.

Do vậy, Bộ Công Thương cho biết chưa thể xây dựng được danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo như yêu cầu tại Thông báo số 453.

Cũng tại báo cáo này, Bộ Công Thương đề xuất chọn địa điểm phát triển điện LNG tại Quỳnh Lập hoặc Nghi Sơn.
Theo đó, Bộ Công Thương cho hay tư vấn lập Kế hoạch Điện VIII đã xem xét, nghiên cứu địa điểm để phát triển Dự án LNG Quỳnh Lập/Nghi Sơn tại khu vực huyện Quỳnh Lập, tỉnh Nghệ An và thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 2 khu vực địa điểm có các điều kiện kinh tế, kỹ thuật khá tương đồng và đều đáp ứng để phát triển một nhà máy điện LNG 1.500MW. Tuy nhiên, địa điểm Quỳnh Lập có điều kiện thuận lợi hơn do tận dụng được mặt bằng có sẵn, được quy hoạch phát triển nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị đưa địa điểm Quỳnh Lập để phát triển Dự án.

>> Điện mặt trời mái nhà lâm cảnh ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’

Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu sản phẩm năng lượng tái tạo bền vững

Trung Quốc đột phá trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dien-mat-troi-so-phan-mit-mu-vi-chua-biet-du-an-nao-sai-pham-2226699.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Điện mặt trời số phận 'mịt mù' vì chưa biết dự án nào sai phạm
    POWERED BY ONECMS & INTECH