Hiện tại, với việc thử nghiệm định danh cuộc gọi, khi người dân được nhân viên bưu cục phát, bưu tá Vietnam Post tại Hà Nội liên hệ, điện thoại của người dân sẽ hiển thị tên người gọi là ‘VietNamPost’.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post vừa cho biết đơn vị đang triển khai thử nghiệm cuộc gọi định danh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với việc thử nghiệm cuộc gọi định danh tại Hà Nội, ngoài các cuộc gọi từ tổng đài của Vietnam Post, hiện nay cả những cuộc gọi của các nhân viên bưu cục phát, bưu tá Vietnam Post trên địa bàn Thủ đô khi liên hệ với khách hàng đều hiển thị tên người gọi là "VietNamPost".
Để thực hiện định danh cuộc gọi liên hệ tới khách hàng, các bưu tá của Vietnam Post tại Hà Nội được yêu cầu gọi điện qua ứng dụng phát DingDong, còn nhân viên bưu cục sẽ thực hiện gọi qua phần mềm PacknSend.
Đánh giá sơ bộ về việc thử nghiệm định danh cuộc gọi, Vietnam Post cho hay, lợi ích với người dùng dịch vụ là tăng tính bảo mật, giảm thiểu tình trạng các đối tượng giả mạo bưu tá, nhân viên hay tổng đài của Vietnam Post gọi điện thông báo giao hàng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Còn với Vietnam Post, định danh cuộc gọi với sự hỗ trợ của các phần mềm DingDong và PacknSend, là một giải pháp ứng dụng công nghệ giúp tối ưu hóa chi phí cước viễn thông so với tổng đài di động thông thường.
>> Bộ TT&TT và các nhà mạng sử dụng tên định danh để chống cuộc gọi mạo danh
Ngoài ra, các cuộc gọi ra từ ứng dụng của bưu tá hay phần mềm của bưu cục phát sẽ gắn với bưu gửi cụ thể, có ghi âm rõ ràng tạo sự thuận tiện trong công tác quản lý đơn hành và xử lý các khiếu nại, vướng mắc của khách hàng nhanh chóng, kịp thời, minh bạch hơn.
Vietnam Post dự kiến sẽ vừa triển khai thử nghiệm vừa đánh giá các hiệu quả, hạn chế của giải pháp định danh cuộc gọi của bưu tá và nhân viên bưu cục phát, từ đó xem xét việc triển khai mở rộng trên toàn mạng lưới.
Trước đó, Bộ TT&TT và các nhà mạng đã sử dụng tên định danh – Brandname cho các số điện thoại có tương tác với người dân. Cụ thể, từ trung tuần tháng 10/2023, tất cả số điện thoại gọi đến người dân từ các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Văn phòng Bộ, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”.
Các cuộc gọi của các doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đã hiển thị tên định danh của doanh nghiệp. Chẳng hạn như, tên định danh FPT SHOP của nhà mạng FPT; LOCAL của nhà mạng ASIM; VIETTELCSKH của nhà mạng Viettel; hay VNPT, VinaPhone của nhà mạng VinaPhone.
Tình trạng mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo người dùng diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Nhiều đối tượng đã sử dụng các thuê bao điện thoại cả cố định và di động để giả mạo cán bộ, nhân viên các cơ quan chức năng, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp để lừa đảo hòng đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Việc triển khai định danh cuộc gọi là một trong những giải pháp để ngăn chặn tình trạng các đối tượng mạo danh, giả mạo phục vụ cho mục đích lừa đảo người dùng.
Tại thời điểm công bố việc Bộ TT&TT và các nhà mạng định danh cuộc gọi tới người dân, Cục Viễn thông cũng khuyến nghị: “Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT&TT là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc định danh cuộc gọi cần được nhân rộng ra nhiều cơ quan, tổ chức và cả các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới đông đảo người dùng. Bởi lẽ, giải pháp này sẽ góp phần hạn chế tình trạng mạo danh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
>> Định danh cuộc gọi cần được mở rộng ra nhiều cơ quan, doanh nghiệp