Đầu tư bất động sản ăn theo sáp nhập tỉnh thành: Tránh tâm lý 'lướt sóng' theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn
Đưa ra khuyến nghị khi đánh giá cơ hội từ sáp nhập tỉnh, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố về kinh tế, văn hóa, hạ tầng và quản lý. Giá trị bất động sản chỉ thực sự được tác động tích cực khi hưởng đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư. Người mua nên tránh tâm lý “lướt sóng” theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Đầu tư có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu, và tính tương thích vùng sẽ là chìa khóa để tránh rủi ro.
Thị trường bất động sản sẽ biến động liên tục
Theo Batdongsan.com.vn, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong những tháng đầu năm 2025 vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định. Theo dữ liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, GDP quý I/2025 ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020 - 2025.
![]() |
Thị trường bất động sản sẽ biến động liên tục. |
Một điểm sáng khác là dù vốn FDI đăng ký ở mức 5 tỷ USD nhưng vốn FDI thực hiện lại đạt 11 tỷ USD. Cũng trong quý I/2025, Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế. Đây là những chỉ số tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động như hiện nay.
Ngoài ra, thị trường cũng ghi nhận thông tin quan trọng khi chỉ trong một tuần, Mỹ liên tiếp công bố các mức thuế đối ứng mới đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mức thuế áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam tăng vọt từ 4,6% lên 50,6% (tổng mức thuế sau khi áp dụng thuế đối ứng). Tuy nhiên, sau ngày 10/4, Mỹ thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, tạo cơ hội đàm phán song phương.
Hiện tại, mức thuế với hàng hóa Việt Nam đã được điều chỉnh xuống còn 14,6% - thấp hơn rất nhiều so với mức 50,6% trước đó.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, hiện tại vẫn còn quá sớm để đánh giá về tác động thực tế của chính sách thuế này tới thị trường, đặc biệt là bất động sản và các khu công nghiệp.
Lý do là thị trường còn biến động liên tục, và bản thân các doanh nghiệp sản xuất cũng không thể nhanh chóng dịch chuyển nhà máy hay chuỗi cung ứng sang quốc gia khác do chi phí và ràng buộc pháp lý.
>>Thuế quan Mỹ làm rung chuyển kinh tế toàn cầu
Bài học từ việc Hà Tây về Hà Nội
Thời gian qua, kế hoạch sáp nhập tỉnh là một vấn đề được đông đảo dư luận quan tâm. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản tháng 3 tăng mạnh so với tháng 2 tại các tỉnh có sự tương đồng hoặc bổ trợ về diện tích tự nhiên, quy mô dân số.
![]() |
Bài học từ việc Hà Tây về Hà Nội. |
Ví dụ, tại Đà Nẵng và Quảng Nam, mức độ quan tâm bất động sản tại Đà Nẵng tăng 39%, còn tại Quảng Nam tăng 96%. Ngoài ra, các tỉnh có vị trí địa lý, lợi thế thiên nhiên tương đồng cũng ghi nhận biến động tích cực (Hưng Yên tăng 36%, Thái Bình tăng 75%). Các trường hợp tương đồng về quy mô, bổ trợ về kinh tế du lịch biển cũng có lượng tìm kiếm tăng đáng kể (Quảng Bình tăng 45%, Quảng Trị tăng 8%).
Đáng chú ý, các tỉnh có khả năng kết hợp trở thành “siêu đô thị” với 12,5 triệu dân, quy tụ cảng biển, sân bay, trung tâm tài chính, chứng kiến mức độ quan tâm bất động sản tăng (TP. HCM tăng 13%, Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 42%).
Theo ông Quốc Anh, nhìn lại bài học thực tế như trường hợp Hà Nội - Hà Tây, trong giai đoạn 2016 - 2025, giá nhà đất khu vực Hà Tây cũ tăng từ 2,6 - 15 lần, trong khi Hà Nội cũ tăng trung bình 2,4 lần. Tuy nhiên, nhiều dự án tại Hà Tây cũ bị chậm tiến độ hoặc bỏ hoang, đặt ra nghi vấn về tính bền vững trong tăng giá.
Do đó, ông Nguyễn Quốc Anh khuyến nghị khi đánh giá cơ hội từ sáp nhập tỉnh, nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố về kinh tế, văn hóa, hạ tầng và quản lý. Giá trị bất động sản chỉ thực sự được tác động tích cực khi hưởng đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư.
“Người mua nên tránh tâm lý “lướt sóng” theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Đầu tư có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu, và tính tương thích vùng sẽ là chìa khóa để tránh rủi ro”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.