Sang quý III/2022, sản lượng tiêu thụ thép vẫn bị đánh giá ở mức thấp do đây là mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng dẫn tới nhu cầu về ngành thép không cao.
Cổ phiếu thép hồi phục mạnh mẽ
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index tăng nhẹ chưa đầy 10 điểm lên mức 1.262 điểm; HNX-Index tăng 3,5 điểm tương ứng gần 1,2% lên 303 điểm; UPCoM-Index cũng tăng.
Đóng góp lớn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức hồi phục mạnh tuần qua phải kể đến nhóm cổ phiếu thép. Đặc biệt, phiên cuối tuần, hàng loạt cổ phiếu thép đã tăng mạnh mẽ khiến mọi sự chú ý đang đổ dồn vào nhóm cổ phiếu từng mang lại những con "sóng thần" năm ngoái.
Quan sát trong 1 tháng gần đây, dễ thấy dòng tiền có xu hướng chuyển dịch vào các ngành và nhóm cổ phiếu đã giảm sâu như tài chính, xây dựng và vật liệu xây dựng (chủ yếu là thép) và nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Chứng khoán MBS từng nhận định trên báo Đầu tư Chứng khoán rằng, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu thép khá tích cực trong 4 tuần gần đây và nhóm cổ phiếu này cũng đã hồi phục bình quân 19% kể từ đáy dù vẫn còn cách đỉnh ~28%.
Ở góc nhìn khác, Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, nhóm cổ phiếu thép chưa thể thoát khỏi tiêu cực, diễn biến bây giờ chỉ là nhịp hồi sau giai đoạn giảm kéo dài. Mặc dù định giá thấp nhưng nhóm thép đã không còn giai đoạn tăng trưởng nóng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh và tăng trưởng doanh thu trong quý II đã chậm lại.
Ngoài ra, dòng tiền vào nhóm thép vẫn còn yếu so với diễn biến của thị trường chung. Do vậy, ông Minh nhấn mạnh chưa thể có một nhịp sóng tăng kéo dài ở cổ phiếu thép mà chủ yếu vẫn là sóng hồi giúp các nhà đầu tư ngắn hạn có cơ hội cơ cấu giảm thiệt hại từ đợt lao dốc trước.
Về dài hạn, nhóm này cần chờ thêm tín hiệu từ các dấu hiệu hạ nhiệt từ giá nguyên liệu đầu vào và sự hồi phục của thanh khoản thị trường bất động sản.
Tin xấu đã phản ánh vào giá?
Nửa đầu năm 2022 có lẽ là giai đoạn khó khăn đối với doanh nghiệp thép - nhất là khi nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu.
Cần nhấn mạnh rằng, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh là rủi ro lớn nhất đối với ngành thép. Sản lượng tiêu thụ thép giảm mạnh kể từ tháng 3/2022 khiến tổng sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm giảm 7,3% đặc biệt ở nhóm thép cuộn cán nóng/nguội, tôn mạ, ống thép. Chỉ duy nhất thép xây dựng ghi nhận tăng trưởng dương với mức tăng 6,1%.
Sản lượng tiêu thụ giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu lần lượt -9,0% và -2,2% do thị trường bất động sản trong nước chững lại sau 3 cụm vấn đề chủ đạo tác động:
+Động thái kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực này của cơ quan quản lý khi "nổ" ra vấn đề trái phiếu.
+Nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu giảm do chính sách Zero COVID của Trung Quốc
+Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukcraina.
Yếu tố khác đặc biệt quan trọng tác động đến quý 3 của các doanh nghiệp thép là việc giá bán thép thương phẩm đã giảm mạnh 13 lần liên tiếp trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp thép vẫn đang "gánh" tồn kho rất cao ở nền giá cao. Tính đến cuối quý II, tồn kho tại 6 doanh nghiệp thép niêm yết lên mức xấp xỉ 110.000 tỷ đồng khiến các khoản trích lập dự phòng trở thành nỗi lo lớn cho nhà đầu tư.
Đvt: Tỷ đồng
Sau chia sẻ hồi tháng 5/2022, thực tế đã chứng minh nhận định của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long là hoàn toàn có cơ sở khi lần lượt những Nam Kim (NKG), Tiến Lên (TLH), Gang thép Thái Nguyên (TIS), Thép SMC (SMC), Gang thép Cao Bằng (CBI), Thép Mê Lĩnh (MEL),... hay chính HPG đã báo lãi sụt giảm mạnh hàng chục % so với cùng kỳ. Thậm chí trường hợp của Thép Thủ Đức (TDS) còn báo lỗ.
Khối ngoại mạnh tay rút bớt vốn ở ngành thép, hơn 200 triệu cổ phiếu HPG bị bán từ đầu năm
Sang quý III/2022, sản lượng tiêu thụ thép vẫn bị đánh giá ở mức thấp do đây là mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng dẫn tới nhu cầu về ngành thép không cao.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tại các nhà máy thép cầm chừng do tồn kho lớn. Lượng hàng tồn kho lớn trong bối cảnh giá thép liên tục giảm sẽ khiến giá vốn ở mức cao trong quý này.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Chứng khoán Agriseco cho biết, giá thép thế giới có dấu hiệu phục hồi trong khi nguyên liệu than cốc giảm giá; giá thép tăng khi khi nhu cầu tích trữ tăng lên và một số nhà máy thép tại Trung Quốc đang có dấu hiệu dần khôi phục lại hoạt động sản xuất sau một thời gian dài.
Kì vọng giá bán thép trong nước sẽ phản ánh đà phục hồi này trong thời gian tới cùng với việc giá than cốc có xu hướng quay đầu giảm nhanh từ quý II sẽ giúp cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2022. Dài hạn hơn, việc Trung Quốc dừng gia hạn chính sách Zero COVID sẽ không chỉ kéo dài đà hồi phục của giá thép mà còn giúp cải thiện nhu cầu thép trên toàn cầu từ đó rút ngắn chu kì giảm của ngành.
[LIVE] Thị trường 13/12: VN-Index giảm 4 điểm, BSR có đột biến
Nhận định chứng khoán 13/12: Cơ hội xuất hiện khi VN-Index về 1.260 điểm