Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt thuế chống bán phá giá đến 160% khi xuất khẩu đĩa giấy sang Mỹ

Hải Đường 09/09/2024 - 05:51

Trong quá trình điều tra, DOC đã chọn ra hai doanh nghiệp Việt Nam làm bị đơn bắt buộc, nhưng chỉ có một doanh nghiệp tham gia.

Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đĩa giấy sang Hoa Kỳ đang phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời lên đến 159,79%. Đây là kết quả của cuộc điều tra chống bán phá giá do Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng, trong đó chỉ có một doanh nghiệp bị đơn bắt buộc duy nhất chịu mức thuế 0%, còn lại các doanh nghiệp khác đều bị áp mức thuế rất cao.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, kết luận sơ bộ của vụ điều tra chống bán phá giá liên quan đến đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam vừa được DOC ban hành. Các sản phẩm nằm trong phạm vi điều tra bao gồm đĩa giấy thuộc các mã HS 4823.69.0040, 4823.61.0040 và có thể đi kèm sản phẩm khác như mã HS 9505.90.4000 và 9505.90.6000.

Vụ điều tra này được DOC khởi xướng từ ngày 14/2/2024, cùng với cuộc điều tra chống trợ cấp cũng liên quan đến đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của cuộc điều tra chống trợ cấp đã được công bố vào ngày 25/6/2024.

Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt thuế chống bán phá giá đến 160% khi xuất khẩu đĩa giấy sang Mỹ
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đĩa giấy sang Hoa Kỳ đang phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời lên đến 159,79%. Ảnh minh hoạ

>> Thái Lan chính thức áp thuế chống bán phá giá 30,91% với thép cuộn cán nóng Trung Quốc

Trong quá trình điều tra, DOC đã chọn ra hai doanh nghiệp Việt Nam làm bị đơn bắt buộc, nhưng chỉ có một doanh nghiệp tham gia. Do đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 0% được áp dụng cho doanh nghiệp duy nhất tham gia, trong khi các doanh nghiệp còn lại phải chịu mức thuế cao 159,79%, tính dựa trên dữ liệu sẵn có bất lợi.

DOC dự kiến sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ để xác minh các thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Đây sẽ là cơ sở để DOC đưa ra kết luận cuối cùng, xác định mức thuế chính thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu đĩa giấy của Việt Nam, với kết luận dự kiến được ban hành vào đầu năm 2025.

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp liên quan cần chuẩn bị tốt và hợp tác chặt chẽ với DOC trong quá trình thẩm tra sắp tới nhằm tránh các mức thuế cao do không hợp tác hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin.

Trước đó, trong cuộc điều tra chống trợ cấp liên quan đến đĩa giấy, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ vào ngày 25/6/2024, áp dụng mức thuế chống trợ cấp tạm thời 5,48% cho doanh nghiệp bị đơn duy nhất hợp tác. Các doanh nghiệp không hợp tác, bao gồm một doanh nghiệp từ chối tham gia và bốn doanh nghiệp không trả lời câu hỏi về lượng và giá trị hàng xuất khẩu, phải chịu mức thuế chống trợ cấp tạm thời lên tới 237,65%.

Sau khi kết luận sơ bộ được công bố, từ ngày 1/7/2024, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã yêu cầu các doanh nghiệp đặt cọc theo mức thuế chống trợ cấp tạm thời đối với các lô hàng đĩa giấy xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Bộ Công thương cũng đã nhiều lần khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cần phối hợp chặt chẽ trong các vụ kiện liên quan đến hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp bị áp thuế cao do không hợp tác, dẫn đến mức thuế bị tính dựa trên dữ liệu bất lợi có sẵn từ phía nước khởi kiện.

>> Mỹ khởi xướng áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai với mật ong Việt Nam

Ấn Độ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC Việt Nam

EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng xuất khẩu của Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-viet-nam-doi-mat-thue-chong-ban-pha-gia-den-160-khi-xuat-khau-dia-giay-sang-my-248099.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt thuế chống bán phá giá đến 160% khi xuất khẩu đĩa giấy sang Mỹ
POWERED BY ONECMS & INTECH