Xã hội

Doanh nhân dùng 'kịch bản' buôn lậu tinh vi, thu lợi 210 tỷ đồng

T.Nhung 19/05/2025 - 14:33

Sau thời gian hoạt động kinh doanh không hiệu quả, Ngô Quang Tuyên (kế toán trưởng của Công ty Tài Lộc) và em vợ là Nguyễn Tài Lộc (Giám đốc Công ty Tài Lộc) đã lên kịch bản cho những lô hàng xuất lậu sang Trung Quốc.

Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 22 bị can về các tội Buôn lậu, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án này, Ngô Quang Tuyên (kế toán trưởng của Công ty Tài Lộc) và em vợ là Nguyễn Tài Lộc (Giám đốc Công ty Tài Lộc) bị truy tố về tội Buôn lậu. Riêng bị can Tuyên còn bị truy tố thêm tội Đưa hối lộ.

Theo cáo buộc, tháng 12/2020, Tuyên cùng em vợ thành lập Công ty Tài Lộc để mua gỗ ván bóc trong nước bán cho khách nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc).

Đến tháng 11/2021, sau một thời gian hoạt động, Tuyên và Lộc thấy công ty không đủ nhân sự để hoạt động, dẫn đến hàng khi xuất khẩu có lô không đúng chất lượng, không đủ về số lượng nên phải đền bù thiệt hại cho khách hàng; đồng thời, giá bán không cạnh tranh được trên thị trường nên lượng khách hàng phía Trung Quốc sụt giảm.

Do đó, Tuyên và Lộc thống nhất không trực tiếp thu mua gỗ trong nước để xuất sang Trung Quốc nữa mà thành lập 13 công ty và mượn pháp nhân của 3 công ty để làm dịch vụ xuất khẩu trái phép hàng gỗ ván bóc từ Việt Nam sang Trung Quốc và một số nước để hưởng tiền công, phí dịch vụ.

Trong số các công ty trên, ban đầu Lộc thuê pháp nhân của 2 công ty để thực hiện xuất khẩu. Sau khi đã quen việc, Lộc mua thông tin căn cước công dân trôi nổi trên mạng Internet để thành lập công ty. Lộc trực tiếp ký chữ ký của người đứng tên đại diện pháp luật 11 công ty.

Sau khi thành lập nhóm Công ty Tài Lộc kể trên, Tuyên và Lộc tuyển dụng thêm nhân viên, thành lập các bộ phận để thực hiện hoạt động xuất khẩu trái phép.

Theo đó, bộ phận kế toán thực hiện theo dõi các loại chi phí hoạt động kinh doanh xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận, thuế xuất khẩu; bộ phận chứng từ và khai báo hải quan thực hiện lập hồ sơ khai báo hải quan và hồ sơ xuất khẩu gửi cho khách hàng Trung Quốc; bộ phận booking có nhiệm vụ liên hệ hãng tàu để đặt chỗ trước cho container xuất khẩu, làm vận đơn đường biển…

Để thực hiện xuất khẩu, Tuyên trực tiếp liên hệ với khách hàng Trung Quốc qua phần mềm Wechat, thỏa thuận giá xuất khẩu và giá dịch vụ xuất khẩu.

Cáo trạng thể hiện, từ tháng 1/2021 - 1/2024, Tuyên và Lộc đã sử dụng pháp nhân nhóm Công ty Tài Lộc để khai báo, xuất khẩu trái phép mặt hàng gỗ ván bóc với tổng số 13.376 container/1.698 tờ khai hải quan (TKHQ), tổng khối lượng 483.707,89 m3, giá trị theo khai báo hải quan là hơn 1.779 tỷ đồng.

Căn cứ các tài liệu cơ quan điều tra thu giữ, lời khai của các bị can và đối tượng có liên quan, đủ cơ sở xác định, quá trình xuất khẩu hàng hóa, nhóm Công ty Tài Lộc có sai phạm về: Lập khống hồ sơ lâm sản; khai báo không đúng khối lượng, giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Tổng số tiền thu lợi bất chính qua Công ty Tài Lộc và nhóm Công ty Tài Lộc được xác định là hơn 210 tỷ đồng.

Dùng thủ đoạn để buôn lậu trót lọt

Trong toàn bộ 1.698 TKHQ của nhóm Công ty Tài Lộc có 92 TKHQ được hệ thống phân kiểm tra mức 3 (luồng đỏ) đã được lãnh đạo Chi cục Hải quan Cảng 2 phê duyệt hình thức kiểm tra thực tế hàng hóa theo tỷ lệ 100% và 10%.

Quá trình kiểm tra, Nguyễn Quang Long (nhân viên nhóm Công ty Tài Lộc) được cán bộ kiểm hóa thông báo những lô hàng sẽ phải thực hiện giám định để xác định chủng loại, khối lượng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp tự tiến hành thuê đơn vị giám định.

Sau khi được cán bộ kiểm hóa gợi ý như trên, Long liên lạc với Nguyễn Văn Khang (Giám đốc Công ty Bảo Linh) đề nghị hỗ trợ giám định đúng chủng loại, khối lượng như khai báo hải quan.

Long cho Khang biết đã thực hiện ''cơ chế chi ngoài” cho bên hải quan nên Khang đồng ý với việc cấp chứng thư giám định như khai báo hải quan.

Theo đó, Khang chỉ đạo cấp dưới lấy chủng loại, khối lượng trên TKHQ để đưa vào chứng thư giám định.

Trước khi ban hành chứng thư giám định, Khang xin ý kiến của cán bộ, lãnh đạo Đội Thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu, Chi cục Hải quan Cảng 2, nếu được đồng ý thì mới ban hành. Khi có chứng thư giám định, Long đưa cho cán bộ kiểm hóa để thông quan.

Với cách thức trên, Khang cùng đồng phạm đã giúp sức cho Tuyên và Lộc buôn lậu, thu lợi số tiền lớn.

Theo cáo buộc, Tuyên đã chuyển hơn 8 tỷ đồng cho Long để hối lộ lãnh đạo, cán bộ Chi cục Hải quan Cảng 2 để nhóm Công ty Tài Lộc được hỗ trợ thông quan nhanh và bỏ qua sai phạm.

>> Đại gia buôn lậu hàng trị giá 1.814 tỷ đồng, chi tiền tỷ 'lót tay' hải quan

Phá 2 đường dây buôn lậu bình ắc quy, phụ tùng xe điện hàng trăm tỷ đồng: Ai cầm đầu?

Đại gia buôn lậu hàng trị giá 1.814 tỷ đồng, chi tiền tỷ 'lót tay' hải quan

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/doanh-nhan-dung-kich-ban-buon-lau-tinh-vi-thu-loi-210-ty-dong-2402593.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nhân dùng 'kịch bản' buôn lậu tinh vi, thu lợi 210 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH