Tên tuổi doanh nhân Trầm Bê trở nên nổi tiếng trên thương trường sau vụ thâu tóm rúng động ngành ngân hàng tại Sacombank năm 2011.
Ông Trầm Bê sinh năm 1959, là người Việt gốc Hoa, quê tại Trà Vinh. Ông có 3 người con là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa.
Ông Trầm Bê gia nhập thương trường từ rất sớm, sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều mảng kinh doanh khác nhau như CTCP Chế biến lâm sản Đông Anh, CTCP Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn, CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI), bệnh viện Triều An, Công ty vàng bạc đá quý Phương Nam… và đều giữ những chức vụ chủ chốt.
Là 1 đại gia giàu có nhưng cái tên Trầm Bê chỉ trở nên nổi tiếng với đại chúng sau thương vụ thâu tóm rúng động ngành Ngân hàng tại Sacombank năm 2011. Để lại dấu ấn lớn trong ngành ngân hàng, nhưng đây cũng là nơi khiến ông Trầm Bê rơi vào vòng lao lý.
Đại gia Trầm Bê |
'Thương vụ' thâu tóm Sacombank rúng động ngành ngân hàng
Ông Trầm Bê gia nhập giới tài chính rất sớm, giữ cương vị thành viên HĐQT của ngân hàng Phương Nam (SoutherBank) vào năm 2004. Phương Nam lúc đó là một "thế lực" trong giới ngân hàng, lợi nhuận lên đến hơn 400 tỷ đồng vào năm 2009. Cùng với ngân hàng Phương Nam, ông Trầm Bê thành lập Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam.
Năm 2012, ông Trầm Bê rời khỏi Phương Nam, đưa con trai cả Trầm Trọng Ngân vào thế chân trong HĐQT, giữ chức Phó Chủ tịch. Đây cũng là thời điểm vụ thâu tóm rúng động ngành ngân hàng diễn ra.
ĐHCĐ thường niên năm 2012, Sacombank có biến, ông Trầm Bê được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT, còn con trai út Trầm Khải Hòa cũng giữ chức thành viên HĐQT.
Sacombank, từ chỗ là "đế chế" do đại gia Đặng Văn Thành xây dựng, trong phút chốc đã bị thế chỗ. Vụ thâu tóm này đã gây rúng động ngành ngân hàng một thời.
Sacombank của đại gia Đặng Văn Thành lúc đó được xem là một trong "bộ ba quyền lực phía Nam", đứng cùng Eximbank và ACB. Nhờ sự hỗ trợ của đế chế Thành Thành Công, Sacombank đã tạo được nhiều dấu ấn. Tuy vậy, không giữ được thành quả, thế lực của ông Đặng Văn Thành bị "đẩy lùi" khi đối phương "ép" giá cổ phiếu STB giảm sâu, dần thâu tóm.
Gia nhập Sacombank ở vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, dấu ấn lớn nhất mà doanh nhân Trầm Bê để lại không quá nhiều trong kết quả kinh doanh. Sau những năm lãi tăng 2013, 2014 thì những năm sau đó 2015, 2016 lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Cùng với kết quả kinh doanh sa sút, dàn lãnh đạo Sacombank trình ý tưởng sáp nhập ngân hàng SoutherBank vào Sacombank. Đưa một ngân hàng kinh doanh đang bất ổn sáp nhập Sacombank, thương vụ gây nhiều tranh cãi cuối cùng cũng đã được hoàn tất vào tháng 10/2015. Đây cũng là vụ sáp nhập tiêu biểu của ngành ngân hàng, liên tục được nhắc tới cả về sau này.
"Dính" đại án Phạm Công Danh, ông Trầm Bê rơi vào vòng lao lý
Năm 2017, ngành ngân hàng lại một lần nữa rúng động với đại án Phạm Công Danh. 2 lãnh đạo cao nhất của Sacombank lúc đó là Phan Huy Khang và Trầm Bê bị đưa ra xét xử với tội danh "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Chưa hết “án”, ông Trầm Bê bị xét xử lần 2 liên quan vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng" xảy ra tại ngân hàng Phương Nam.
Hai mức án với tổng cộng 7 năm tù, đại gia Trầm Bê và con trai Trầm Khải Hòa cũng không còn có tên trong danh sách HĐQT của Sacombank.
Cơ nghiệp doanh nhân Trầm Bê còn lại những gì?
Sau khi thi hành xong 2 bản án hình sự với 7 năm tù, năm 2023, ông Trầm Bê quay lại thương trường với 2 doanh nghiệp mà gia đình ông sở hữu lượng lớn cổ phần là Sơn Sơn và Bệnh viện Triều An.
Bệnh viện Triều An là nơi bắt đầu lại sự nghiệp kinh doanh của ông Trầm Bê. Tháng 6/2023, ông Trầm Bê được bầu cử vào làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022- 2027, với tỷ lệ tán thành gần 99%.
Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An thành lập năm 1999, là một trong những bệnh viện tư nhân đa khoa đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam. Năm 2001 bệnh viện này đi vào hoạt động với vốn điều lệ 490 tỷ đồng, được góp vốn bởi ông Trầm Bê, CTCP Xây dựng Bình Chánh và ông Lưu Trung Lương.
Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An |
Năm 2022, bệnh viện Triều An lội ngược dòng đạt đỉnh doanh thu mới, lợi nhuận hồi phục trở lại đạt 41 tỷ đồng. Với kết quả này, bệnh viện Triều An quyết định không chia cổ tức, dành lợi nhuận bù cho khoản lỗ năm 2021.
Báo cáo tài chính 2022 cho biết, bà Trầm Thuyết Kiều - con gái ông Trầm Bê đang nắm giữ 21,42% vốn điều lệ, chị vợ là bà Viên Tú Anh nắm giữ 3,44%. Ông Trần Ngọc Hen Ri - Chủ tịch HĐQT BV Triều An, người vẫn được gọi là “phó tướng” của ông Bê đã kế nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT sau khi ông Bê bị khởi tố. Ông Hen Ri đang nắm 4,08%. Trước đó các báo cáo cho biết ông Bê nắm 4,85%.
Năm 2023, Bệnh viện Triều An đặt mục tiêu đạt 628 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế 51,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 47,4 tỷ đồng. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 10%.
Tính đến quý IV/2023, bệnh viện ghi nhận doanh thu trong kỳ đạt 189 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp trong kỳ của Triều An đạt hơn 44 tỷ, gấp đôi so với con số cùng kỳ năm ngoái gần 22 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị tài sản Triều An đạt 1.016 tỷ đồng, giảm 93 tỷ so với con số đầu kỳ là 1.110 tỷ. Trong đó, phải thu ngắn hạn và phải thu dài hạn chiếm 1 nửa tổng tài sản với 512 tỷ đồng.
CTCP Chế biến - Thuỷ hải sản Sơn Sơn |
Trong khi bệnh viện Triều An đạt đỉnh doanh thu mới sau 1 năm thua lỗ thì ở chiều ngược lại, Sơn Sơn lại vừa đánh mất thế độc quyền trên thị trường chiếu xạ.
Vì Nhà nước không có kinh phí, doanh nghiệp muốn tham gia phải trả các chi phí liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Công ty Sơn Sơn đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm này, được công nhận là “Cooperator”, trở thành đại diện cho các DN xuất khẩu, đơn vị đóng gói và các cơ sở chiếu xạ tại Việt Nam , chịu trách nhiệm cam kết tài chính và ký kết với Cục kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS).
Vị thế độc quyền này vẫn nằm trong tay Sơn Sơn cho đến tháng 5/2022, khi nhà máy chiếu xạ của Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (TPI) được APHIS công nhận đủ điều kiện. APHIS đã công nhận thêm Toàn Phát là "Cooperator" thứ 2 tại Việt Nam.
Như vậy đến nay, tại Việt Nam đã có 2 đơn vị được APHIS công nhận đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn xử lý chiếu xạ trái cây tươi để xuất khẩu sang Mỹ.
Về kết quả kinh doanh, Sơn Sơn có doanh thu khá ổn định ở mức 130 tỷ trong giai đoạn 2017- 2019, rồi sụt giảm mạnh còn 89 tỷ đồng vào năm 2020. Nguyên nhân có thể đến từ khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản, trái cây khi các nước kiểm dịch khắt khe do Covid bùng phát.
Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng đi xuống thấy rõ khi lợi nhuận năm 2018 chỉ vỏn vẹn 4 tỷ và 2 năm tiếp theo ghi nhận lỗ lần lượt 18 tỷ và 16 tỷ đồng.
Khối tài sản ‘khủng’ của đại gia Dương Công Minh gồm những gì?
Bộ Công an lên tiếng vụ tin đồn ông Dương Công Minh bị cấm xuất cảnh