Đối tác của Nike, Adidas, Uniqlo mở nhà máy thứ 3 tại Việt Nam
Tập đoàn Avery Dennison – đối tác của Nike, Adidas, Uniqlo vừa khánh thành nhà máy thứ 3 tại Việt Nam, đặt tại huyện Củ Chi, TP. HCM. Việc “ông lớn” này chọn vùng đất nổi tiếng với “thành phố dưới lòng đất” làm điểm đến cho thấy sức hút ngày càng lớn của Củ Chi trong mắt các nhà đầu tư công nghiệp toàn cầu.
Tập đoàn Avery Dennison – đối tác chiến lược của các thương hiệu thời trang thể thao hàng đầu như Nike, Adidas, Puma và Uniqlo vừa khánh thành nhà máy liên doanh cùng Tập đoàn Shenzhou Group tại Việt Nam, đặt tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Đây là nhà máy thứ 3 tại Việt Nam của Tập đoàn Avery Dennison, sau nhà máy ở Long Hậu (Long An) và Bắc Ninh. Sự kiện này là bước đi tiếp theo trong chiến lược mở rộng năng lực sản xuất tại chỗ và củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành may mặc.
Nằm tại huyện Củ Chi – nơi nổi tiếng với hệ thống địa đạo được mệnh danh là “thành phố dưới lòng đất” của Việt Nam, nhà máy mới của Avery Dennison được xây dựng trên diện tích gần 4.000m2 với tổng vốn đầu tư lên đến 4,7 triệu USD. Cơ sở này có công suất xử lý tối đa 800.000 nhãn mác mỗi ngày, đồng thời được thiết kế linh hoạt để dễ dàng mở rộng trong tương lai.

Việc lựa chọn Củ Chi làm điểm đặt nhà máy không chỉ mang ý nghĩa chiến lược về mặt giao thông và kết nối vùng, mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của tập đoàn khi kết hợp giữa yếu tố lịch sử, tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp và vị trí địa lý thuận lợi tại cửa ngõ phía Tây Bắc TP.HCM.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Michael Barton – Phó chủ tịch Tập đoàn Avery Dennison nhận định Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất may mặc và giày dép toàn cầu. "Nhà máy mới đóng một phần quan trọng trong chiến lược đầu tư của chúng tôi. Đó là xây dựng năng lực sản xuất tại chỗ, với đội ngũ tay nghề cao ngay tại Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Không dừng lại ở đó, Avery Dennison còn định hướng đưa các nhà máy tại Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chủ lực, đồng thời phát triển thành điểm nghiên cứu và phát triển (R&D) trong mạng lưới toàn cầu của tập đoàn. Ông David Shi – một lãnh đạo khác của Avery Dennison – bày tỏ niềm tin rằng tiềm năng R&D tại Việt Nam là rất lớn và đang được mở rộng nhanh chóng nhờ chất lượng nhân lực và hệ sinh thái sản xuất ngày càng hoàn thiện.
> > Không chỉ Tập đoàn Trump, đại gia Mỹ cũng vừa đặt nhà máy 120 triệu USD tại tỉnh này
Việc một tập đoàn toàn cầu lựa chọn Củ Chi làm nơi đặt nhà máy sản xuất thể hiện rõ tiềm năng của khu vực này trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Với vị trí chiến lược, kết nối thuận tiện đến các khu công nghiệp lớn và các tuyến giao thông huyết mạch, Củ Chi đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại TP.HCM.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá đất khu công nghiệp tại trung tâm ngày càng leo thang, xu hướng dịch chuyển ra vùng ven như Củ Chi được đánh giá là bước đi hợp lý. Kết hợp với danh tiếng của địa đạo Củ Chi – khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, khu vực này còn có cơ hội phát triển đa dạng mô hình bất động sản kết hợp công nghiệp – du lịch – văn hóa.
Liên quan đến những biến động thuế đối ứng từ Mỹ ảnh hưởng đến các thương hiệu lớn như Nike, adidas, lãnh đạo Avery Dennison cho biết doanh nghiệp vẫn đang tích cực theo dõi và làm việc với chính phủ Mỹ để tìm ra giải pháp phù hợp. Trong thời gian chờ đợi chính sách thuế được điều chỉnh, tập đoàn đã chủ động phối hợp với các đối tác nhằm tối ưu chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi có mặt tại hơn 50 quốc gia trên toàn cầu, với đội ngũ nhân sự, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống nhà cung cấp và kênh phân phối hiệu quả. So với các đối thủ, chúng tôi nhận thấy mình có lợi thế cạnh tranh rõ rệt về chuỗi cung ứng và công nghệ dẫn đầu ngành", ông Barton khẳng định.