Đồng bằng lớn nhất Việt Nam sẽ có khoảng 1.200km cao tốc
Khu vực này sẽ có khoảng 1.200km cao tốc, bao gồm 3 tuyến theo trục Bắc-Nam và 3 tuyến theo trục Đông-Tây.
Ngày 13/7, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với các bộ ngành và địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết khu vực này hiện đang triển khai 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trong đó 4/5 dự án đang trong quá trình thi công.
Công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cao tốc cơ bản đã đáp ứng tiến độ. Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã lập kế hoạch chi tiết và chỉ đạo quyết liệt nhà thầu thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu do tình trạng thiếu cát đắp.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết theo quy hoạch đến năm 2030, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 1.200km cao tốc, bao gồm 3 tuyến theo trục Bắc-Nam và 3 tuyến theo trục Đông-Tây, kết nối TP. HCM với miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, quy hoạch cho cảng biển, hàng không, giao thông thủy nội địa và vùng ĐBSCL đã được hoàn thành. Theo Báo Tiền Phong, Thủ tướng nhấn mạnh: “Kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, chúng ta quyết tâm, phấn đấu trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 500-600km cao tốc tại ĐBSCL, chuẩn bị để nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600km còn lại".
Ngoài ra, các tỉnh và địa phương cần chủ động giải quyết và xử lý đúng trong phạm vi thẩm quyền của mình. Ban quản lý các dự án cũng cần phối hợp với địa phương và nhà thầu để thực hiện hiệu quả các cơ chế đã có. Nếu vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ sẽ giải quyết ngay.
Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh miền Đông hỗ trợ miền Tây về đá, trong khi miền Tây sẽ hỗ trợ miền Đông về cát; các địa phương nên chia sẻ thế mạnh của mình. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp với chủ đầu tư và nhà thầu để thực hiện các dự án, huy động lực lượng tại chỗ nhằm tạo thêm công ăn việc làm và sinh kế cho người dân.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, ĐBSCL có diện tích 40.816,3km2, gấp gần đôi so với đồng bằng sông Hồng (21.260,3km2). Nơi đây được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất cả nước.
Vùng đồng bằng này thuộc miền Nam Việt Nam. Quá trình hình thành của nó diễn ra lâu dài và phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi các biến động địa chất, thay đổi khí hậu và đặc biệt là những đợt nước biển dâng cao, hạ xuống (hay còn gọi là biển tiến, biển thoái) trong khoảng 6.000-7.000 năm trước.